Năm 2050, con người sống ra sao?

Phạm Nghĩa |

Thế giới đang thay đổi từng ngày. Trong vòng 30 năm tới, con người sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có biến đổi gien, sự lão hóa các quần thể, mực nước biển dâng…

Biến đổi gien

Hồi năm ngoái, một công nghệ mới cho phép chỉnh sửa ADN của con người đã làm dấy lên các cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học.

Công nghệ mới có tên gọi Crispr, ra đời nhằm giúp con người chữa trị dứt điểm những căn bệnh nan y, chẳng hạn như ung thư.

Năm 2050, con người sống ra sao? - Ảnh 1.

Ảnh: TIMES OF ISRAEL

Bên cạnh tiềm năng mang lại, biến đổi gien đặt ra lo ngại về vấn đề đạo đức một khi người ta sử dụng công nghệ này để tạo ra những đứa trẻ sở hữu trí tuệ vượt trội hoặc mang trong mình những đặc điểm nhất định.

Tuy chưa được phổ biến rộng rãi nhưng công nghệ biến đổi gien được dự báo sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng trong tương lai.

Bùng nổ người cao tuổi

Dân số thế giới ngày càng gia tăng, cộng thêm việc con người ngày càng sống thọ khiến số lượng người cao tuổi có thể bùng nổ trong vài thập kỷ tới.

Theo các nhà khoa học, vào năm 2100, số người sống đến 100 tuổi sẽ tăng 50 lần, từ 500.000 người hiện tại lên hơn 26 triệu người.

Trong đó, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc và một số quốc gia khác ghi nhận số người sống trên 65 tuổi nhiều hơn so với trước đây.

Năm 2050, con người sống ra sao? - Ảnh 2.

Ảnh: SLIDE SHARE

Thực trạng nói trên đặt ra những thách thức, đó là chúng ta phải chăm sóc tốt hơn cho người cao tuổi (Nhật Bản đang có ý định sử dụng robot để làm việc này); thúc đẩy chính sách nhập cư và bù đắp lượng lao động bị thiếu hụt do già hóa dân số.

Những "thành phố đã mất"

Mực nước biển dâng cao là nguyên nhân làm cho nhiều thành phố trên thế giới biến mất. Tình trạng biến đổi khí hậu không những gây ra lũ lụt mà còn tác động đến vấn đề thiết kế trong lĩnh vực xây dựng.

Năm 2050, con người sống ra sao? - Ảnh 3.

Ảnh: TELEGRAPH

Ngoài giải pháp đê chắn sóng, các thành phố đang phải xây dựng các tòa nhà với phần móng cao hơn để tránh bị ngập. Nhưng trong tương lai, nếu mực nước biển tiếp tục dâng lên, chúng ta có khả năng sẽ mất thêm nhiều thành phố, hải đảo và những vùng trũng như Bangladesh…

Tác động kinh tế tới các khu vực bị ảnh hưởng sẽ rất nghiêm trọng. Thêm vào đó, con người sẽ phải giải quyết bài toán người tị nạn khí hậu. Nếu biến đổi khí hậu gây nên tình trạng di cư hàng loạt, áp lực sẽ đè lên cơ sở hạ tầng, dịch vụ và nền kinh tế hiện tại của các thành phố.

Sự phát triển của mạng xã hội

Mạng xã hội làm cho phương thức giao tiếp giữa người với người trở nên đa dạng hơn trong một thập kỷ trở lại đây.

Ngoài việc có thể cập nhật tin tức của những người xung quanh mọi lúc mọi nơi, mạng xã hội còn đóng vai trò cầu nối giúp thúc đẩy và duy trì các mối quan hệ nhưng đồng thời cũng là con dao hai lưỡi.

Năm 2050, con người sống ra sao? - Ảnh 4.

Ảnh: ADWEEK

Vậy trong vòng 30 năm nữa, mạng xã hội sẽ phát triển như thế nào? Có người giả định khi ấy, chúng ra sẽ mất đi sự riêng tư và đối mặt với nhiều mối đe dọa trực tuyến hơn.

Nhiều tổ chức từ thiện và phi lợi nhuận đã tiến hành một số chiến dịch chống lại những "trò chơi khăm" trên internet nói chung và mạng xã hội nói riêng bởi những trò đùa tưởng chừng vô hại đó lại có thể gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý người dùng.

Mặt khác, với lượng tin tức tràn ngập trên mạng xã hội, thật giả lẫn lộn, người sử dụng internet sẽ gặp khó khăn trong việc phân loại và tiếp nhận những thông tin bổ ích, thiết thực.

Trong trường hợp người ta phải tiếp xúc liên tục với các nguồn tin không đáng tin cậy, nó sẽ tác động xấu tới các cuộc tranh luận cũng như tính văn minh của một xã hội.

Căng thẳng địa chính trị mới

Trong năm vừa qua, nhiều sự kiện địa chính trị quan trọng đã định hình lại bộ mặt của thế giới, từ các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, làn sóng người tị nạn cho đến tin tặc can thiệp tiến trình bầu cử của một số quốc gia khác.

Năm 2050, con người sống ra sao? - Ảnh 5.

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 28-7. Ảnh: KCNA

Những thay đổi về địa chính trị này chưa từng xảy ra và không thể dự đoán trước, chẳng hạn như chương trình hạt nhân và tên lửa "thần tốc" của Bình Nhưỡng, hoàn cảnh của người tị nạn Syria, sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit)…

Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì những mối quan hệ ngoại giao cơ bản, đồng thời cũng đặt dấu chấm hỏi cho sự ổn định toàn cầu trong vài thập kỷ tới.

Xe hơi an toàn

Không thể phủ nhận sự phổ biến của xe hơi trong vòng 30 năm tới, đặc biệt là thế hệ xe hơi không người lái đang được các công ty công nghệ và nhà sản xuất xe hơi lớn chế tạo và hoàn thiện.

Bất chấp việc công nghệ này sẽ phát triển tới đâu, nhu cầu sở hữu xe hơi của người dân cũng sẽ tăng vọt, theo một số nghiên cứu gần đây.

Năm 2050, con người sống ra sao? - Ảnh 6.

Ảnh: BAROQUE LIFE STYLE

Đáng chú ý, tại các quốc gia đang xảy ra hiện tượng tầng lớp trung lưu bùng nổ như Trung Quốc, thách thức về môi trường và cơ sở hạ tầng sẽ là bài toán gây đau đầu cho nhà chức trách.

Làm thế nào để đảm bảo một lượng xe hơi dày đặc lưu thông an toàn trên đường phố, không để môi trường bị ô nhiễm, và chắc chắn những chiếc xe hơi không trở thành một mối đe dọa là các vấn đề cần được tính đến.

Suy giảm tài nguyên thiên nhiên

Công nghệ và thiết bị mới xuất hiện trong thế kỷ 21 đều đòi hỏi phải có kim loại đất hiếm trong quá trình chế tạo sản phẩm. Ví dụ điện thoại thông minh ngày nay bao gồm khoảng 60% thành phần là các loại kim loại đất hiếm.

Năm 2050, con người sống ra sao? - Ảnh 7.

Ảnh: AP

Ở Trung Quốc, nơi người ta tìm thấy 90% lượng kim loại đất hiếm sử dụng trên toàn thế giới, ước tính các mỏ tài nguyên đắt hơn vàng này sẽ cạn kiệt trong vòng 2 thập kỷ tới. Và hiện tại con người vẫn chưa tìm được vật liệu để thay thế chúng.

Du hành vũ trụ

Hiện tại, đây là lĩnh vực chỉ dành cho các cơ quan hàng không vũ trụ và giới siêu giàu.

Nhưng trong tương lai, sẽ có thêm nhiều người được tiếp cận dịch vụ đắt đỏ này, trong bối cảnh chúng ta tìm cách đưa con người lên sao Hỏa hoặc một hành tinh nào đó sinh sống.

Năm 2050, con người sống ra sao? - Ảnh 8.

Ảnh: AP

Một khi trở nên phổ biến, du hành vũ trụ đặt ra những thách thức mới về hậu cần, vấn đề an toàn…, buộc chúng ta phải nghiêm túc xem xét.

Thuốc tăng cường trí não

Người ta thường sử dụng một số loại dược phẩm hoặc thực phẩm có tính kích thích để giữ đầu óc tỉnh táo hoặc giúp nó hoạt động hiệu quả hơn trong một số trường hợp, ví dụ cà phê hay một thứ gì đó mạnh hơn như modafinil.

Hãy tưởng tượng trong vài thập kỷ tới, các loại dược phẩm làm cho bộ não con người suy nghĩ nhanh hơn hoặc công nghệ cấy ghép giúp khả năng tập trung của chúng ta vượt xa người thường, xuất hiện.

Năm 2050, con người sống ra sao? - Ảnh 9.

Ảnh: CRITIC BRAIN

Lúc đó, câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra với những người không có khả năng tiếp cận những công nghệ mới mẻ như vậy? Liệu nó có nới rộng khoảng cách bất bình đẳng cũng như giàu nghèo, làm cho người giàu ngày càng giàu có hơn?

Tiếp đến, người ta sẽ phân tích các vấn đề pháp lý và đạo đức. Chẳng hạn một người có thể uống cà phê nhưng liệu người đó có chấp nhận sử dụng công nghệ cấy ghép hoặc dược phẩm để tăng cường trí não trước khi tham dự một kỳ thi?

Trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Giống như trường hợp biến đổi gien, con người cần phải cân nhắc những tác động của AI về mặt đạo đức và xã hội bởi nó có thể chi phối nhiều lĩnh vực trong tương lai, từ chăm sóc sức khỏe đến thị trường tài chính.

Viễn cảnh AI gặp trục trặc hoặc thoát khỏi sự kiểm soát của con người, dẫn đến thảm họa như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, cũng là điều khiến chúng ta lo lắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại