Mua theo Luật Đấu thầu 2023
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 và để chuẩn bị cho việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu.
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3163/QĐ-BYT ngày 10/8/2023 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 trong lĩnh vực y tế. Theo đó, Bộ Y tế đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo Thông tư ban hành danh mục thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá, Thông tư ban hành các danh mục thuốc phục vụ công tác đấu thầu, Thông tư quy định về cơ chế đối với thuốc hiếm được Nhà nước đảm bảo.
Ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, đấu thầu thuốc năm 2023 gặp nhiều khó khăn. Theo đó, trong tháng 3/2023, Chính phủ đã liên tiếp ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP (Nghị định 07) sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP (Nghị quyết 30) về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để gỡ khó cho Bộ Y tế, giải quyết khẩn cấp tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trầm trọng ở các cơ sở y tế trong cả nước. Cùng với đó, Bộ Y tế đã có là Thông tư 14 đã đưa ra những cơ chế hết sức mới trong việc xây dựng giá đấu thầu.
Sắp tới, Nghị quyết 30 và Nghị định 07 của Chính phủ sắp hết hiệu lực (ngày 31/12/2023). Vậy bước sang năm 2024, thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế theo những quy định nào?
Trả lời câu hỏi này, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng Nghị định hướng dẫn tổng thể để thực hiện Luật Đấu thầu. Cụ thể, là các nội dung liên quan đến xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế cũng sẽ được xây dựng tích hợp vào Nghị định dự kiến sẽ có hiệu lực thực hiện từ 1/1/2024.
“Về đấu thầu thuốc, Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng một số Thông tư, bao gồm Thông tư liên quan đến danh mục thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế được áp dụng đàm phán giá, dự kiến được ban hành sớm trong Quý I/2024”, ông Thiện nói.
Thị trường không thiếu thuốc
Cùng với đó, theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), ở thời điểm hiện tại có trên 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn đang hiệu lực, với khoảng 800 hoạt chất nên cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường, nên không thể nói là thiếu được. Thiếu có thể liên quan đến mua sắm đấu thầu.
Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, Cục đang tham gia sửa đổi, bổ sung một số quy định về đấu thầu thuốc để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế trong việc triển khai đấu thầu. Cụ thể, tham gia xây dựng, sửa đổi Thông tư 15 năm 2020 và Thông tư 03 năm 2019 để phù hợp với quy định mới của Luật Đấu thầu 2023.
“Hiện nay, 2 Thông tư này đang được xin ý kiến Ban soạn thảo cũng như Hội đồng Tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc và dự kiến ban hành cuối năm 2023. Cục Quản lý Dược cũng đang phối hợp với đơn vị liên quan để sửa đổi bổ sung các quy định về đấu thầu mua thuốc, đặc biệt là Thông tư 06 năm 2023 sửa đổi bổ sung. Theo đó, các cơ sở y tế có thể mua được nhiều thuốc có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng… với giá phù hợp để phục vụ công tác khám chữa bệnh”, ông Dũng nói.
Đến nay, Cục đã ban hành danh mục 11.866 thuốc, trong đó, có khoảng 9.200 thuốc trong nước, hơn 2.400 thuốc nước ngoài và hơn 200 vaccine. Bên cạnh đó, Cục đã cấp mới và gia hạn Giấy đăng ký lưu hành theo Luật Dược năm 2016 hơn 4.300 thuốc và 79 thuốc là biệt dược gốc… Cục Quản lý Dược cũng đang tăng cường xem xét hồ sơ và việc kê khai, kê khai lại giá thuốc, trong đó hơn 6.700 hồ sơ đã được xem xét và giải quyết.
“Ở thời điểm hiện tại có trên 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn đang hiệu lực, với khoảng 800 hoạt chất nên cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường nên không thể nói là thiếu được. Thiếu có thể liên quan đến mua sắm đấu thầu”, ông Dũng cho biết.
Đối với công tác đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá, trong năm 2022-2023, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Trung tâm) đã tổ chức và phê duyệt kết quả đầu thầu tập trung cấp quốc gia đối với 100 thuốc và Bộ Y tế phê duyệt kết quả đàm phán giá đối với 64 thuốc biệt dược gốc.
Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá là những thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước và có thời gian hiệu lực dài (24 tháng).
Theo đó, các cơ sở y tế trên toàn quốc sẽ được thực hiện kết quả đấu thầu tập trung quốc gia đến hết ngày 31/8/2024 và đàm phán giá đến cuối năm 2024, đầu năm 2025. Đối với các thuốc trúng thầu đấu thầu tập trung cấp Quốc gia và đàm phán giá đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hầu hết bảo đảm cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế.
Năm 2024 sẽ không thiếu vaccine
Lãnh đạo các đơn vị của Bộ Y tế cho biết, để giải quyết căn cơ, lâu dài thực trạng “cạn kiệt” vaccine tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách trung ương để đảm bảo kinh phí mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo đó, dự kiến hoàn thành trong tháng 1/2024.
Theo ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), về mua sắm theo hình thức đặt hàng, với kinh nghiệm trong 2 năm 2022 và 2023, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để xây dựng lại toàn bộ khung kỹ thuật cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
“Theo đó, tính đúng, tính đủ giá vaccine. Trong năm 2024 có thể sớm đặt hàng được vaccine và đáp ứng ngay nhu cầu tiêm chủng mở rộng”, ông Thiện nhấn mạnh.
Ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết, trước yêu cầu thực tiễn, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định số 104 theo hướng bố trí kinh phí của Trung ương để mua vaccine.
“Cần phải đồng bộ ngân sách trung ương về mua sắm vaccine, tiếp quản vận chuyển đến địa phương và địa phương phải bố trí ngân sách để tổ chức tiêm chủng. Việc sửa đổi Nghị định 104 đang được thực hiện nhanh nhất và đang được thẩm định qua Bộ Tư pháp. Đồng thời thực hiện mua 10 vaccine sản xuất trong nước, trong đó đã thực hiện bước cuối cùng là xác định giá tối đa với Bộ Tài chính. Sau đó, Bộ Y tế sẽ ban hành giá và ký hợp đồng. Tất cả các công ty đã sằng sàng cung ứng, vacicne đã sẵn sàng… Như vậy, khi có sự đồng bộ về cơ sở pháp lý, đồng bộ về tài chính thì từ năm 2024 trở đi sẽ không còn tình trạng thiếu vaccine nữa”, ông Đức nhấn mạnh.
Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cũng khẳng định, đảm bảo cung ứng vaccine liên quan đến rất nhiều khâu khác nhau, từ dự báo, dự trù của các đơn vị chuyên môn về tình hình dịch bệnh, dịch tễ... đến việc đảm bảo nguồn cung ứng vaccine và tiếp theo là mua sắm, đấu thầu.
Ông Dũng nhắc lại, với 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn đang hiệu lực, với trên 800 hoạt chất, thì có thể khẳng định cơ bản đáp ứng được nguồn cung thuốc và vaccine.