Giá vàng miếng SJC khởi đầu năm 2023 tại mức 66,6 - 67,6 triệu đồng/lượng và kết thúc năm ở mức 70 - 74 triệu đồng/lượng (mua - bán). Như vậy sau một năm, giá kim loại quý tiếp tục đánh dấu chu kỳ tăng, mang lại mức lãi 2,4 triệu đồng/lượng cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đây chỉ là mức lợi nhuận được tính toán vào thời điểm đầu và cuối năm. Trên thực tế, giá vàng đã có những giai đoạn tăng vọt, mang lại lãi “khủng” cho nhà đầu tư.
Diễn biến “nóng” nhất của giá vàng miếng SJC là trong 2 tuần cuối cùng của năm 2023 khi liên tục tăng mạnh, tăng tới hàng triệu đồng/phiên. Đỉnh điểm là trong ngày 26/12/2023, giá vàng SJC đã được các doanh nghiệp điều chỉnh đến 10 lần theo xu hướng tăng và lập đỉnh 80,3 triệu đồng/lượng.
Mức giá này nếu so với đầu năm đã cao hơn gần 13 triệu đồng/lượng, mức lợi nhuận rất tốt trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đều gặp khó.
Năm 2024 khó tăng đột biến
Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2024 giá vàng có thể ghi nhận thêm những đợt tăng mới nhưng sẽ không tăng đột biến như năm 2023.
Theo ông Nguyễn An Huy, Tổ trưởng Tổ tư vấn tài chính cá nhân tại Công ty CP Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT, năm 2024, các yếu tố ủng hộ vàng sẽ là xu hướng gia tăng căng thẳng địa chính trị và sự giảm giá của USD khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo về kế hoạch cắt giảm lãi suất.
Ngược lại, năm 2024 cũng xuất hiện nhiều lực cản đối với vàng như lạm phát có xu hướng giảm dần trên toàn thế giới làm vàng mất đi sức hút là một tài sản để phòng ngừa. Nền kinh tế của nhiều quốc gia được dự báo phục hồi, gián tiếp làm vàng mất đi sức hấp dẫn vì các kênh tài sản khác như cổ phiếu, bất động sản có thể tăng tốt hơn trong giai đoạn 2024 - 2025.
Riêng với vàng miếng SJC, các hành động quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm ngăn chặn trình trạng vàng hóa nền kinh tế sẽ khiến mặt hàng này khó có thể tăng mạnh theo giá vàng thế giới trong năm nay.
Tương tự, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đưa ra dự báo, giá vàng thế giới vẫn có thể tăng tiếp để kiểm tra các mốc cao như 2.100 USD hoặc 2.150 USD/ounce. Nhưng đến hết quý I/2024, thị trường có thể ghi nhận đợt điều chỉnh giảm mạnh hoặc sớm hơn là vào tháng 2, tháng 3.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, dù xu hướng chủ đạo của giá vàng vẫn là tăng song dòng tiền đổ vào sẽ không quá lớn vì vàng diễn biến rất thất thường và nhiều rủi ro.
Theo quan điểm của ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT, vàng chỉ là kênh đầu tư phòng thủ. Giá vàng sẽ được hỗ trợ khi lãi suất ở Mỹ giảm. Với tác động của các yếu tố chính trị, giá vàng neo về mức cao như thời điểm lập đỉnh năm 2023 song sẽ khó tăng mạnh trên 20% trong năm 2024.
Nếu bức tranh kinh tế năm 2024 ổn định, giá vàng có thể đi ngang hoặc giảm. So với hiệu suất tăng trưởng của cổ phiếu thì đây là mức tăng không hấp dẫn, thậm chí không nhiều kỳ vọng. Trường hợp sửa Nghị định 24 để kiểm soát giá vàng thì giá vàng trong nước sẽ càng tiến sát với giá vàng thế giới. Như vậy, tốc độ tăng của vàng sẽ không đột biến.
Ông Huấn khuyến nghị, trong năm nay, nhà đầu tư nên mua vàng ở nhịp giảm mạnh 5-10%. Nếu không lựa chọn đi theo công thức này, nhà đầu tư dễ rơi vào tình trạng "đu đỉnh". Trong danh mục đầu tư năm 2024, vàng nên giữ quanh mức tỷ trọng 10%. Thời điểm bán vàng ra hợp lý là năm 2025.
Còn theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT FinPeace, việc định giá vàng là rất khó và cũng không cần thiết vì vàng thực chất là loại tài sản mà cá nhân nên có trong danh mục đầu tư.
" Về dài hạn, nếu ở góc nhìn phân bổ tài sản trong danh mục đầu tư thì vàng là mặt hàng cần có của nhà đầu tư cá nhân vì nó đảm bảo tính thanh khoản rất cao ", ông Tuấn Anh nói.
Ông Tuấn Anh cũng lưu ý, nhà đầu tư không nên căn cứ vào yếu tố này để bán vàng đang nắm giữ. Bởi việc di chuyển giữa các loại hình tài sản sẽ không phụ thuộc vào biến động giá mà nên phụ thuộc vào quy hoạch tổng tài sản của mỗi nhà đầu tư. Chưa kể, sau khi bán vàng, lượng vốn thu về rất khó tìm kênh đầu tư mới tốt hơn.