Năm 2023: Tỉnh sẽ lên thành phố trung ương tăng trưởng thứ 28/63 tỉnh thành, thu 8.000 tỷ đồng từ du lịch

Dy Khoa |

Tăng trưởng GRDP năm 2023 của tỉnh này ước đạt 7,03%, xếp thứ 28/63 tỉnh/thành cả nước. Mức này vẫn cao hơn cả nước (5,05%).

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của tỉnh ước đạt 7,03%, xếp thứ 28/63 tỉnh/thành cả nước và 9/14 tỉnh/thành trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; cao hơn bình quân cả nước.

Ngành du lịch của tỉnh tiếp tục duy trì đà phục hồi tốt. Ước đến cuối năm 2023, tổng khách du lịch ước đạt 3,2 - 3,3 triệu lượt khách, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra; trong đó, khách du lịch nội địa khoảng 2,0 - 2,1 triệu lượt, khách quốc tế khoảng 1,2 triệu lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt từ 7.000 - 8.000 tỷ đồng.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 12 ước đạt 5.199 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lũy kế 12 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 55.793 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tháng 12 ước tăng 2,2% so với bình quân cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2023 ước đạt 259 triệu USD, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ; lũy kế con số này 12 tháng 2023 ước đạt 1.200 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ; đã xuất khẩu đến 44 quốc gia, trong đó thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, các nước Châu Âu,…Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12 ước đạt 28 triệu USD, giảm 72% so với cùng kỳ, lũy kế 12 tháng ước đạt 650 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tính chung 12 tháng ước tăng 2,7% so với cùng kỳ, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước tăng 1%; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,1%; Ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá ước giảm 3,8%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14%.

Năm 2023: Tỉnh sẽ lên thành phố trung ương tăng trưởng thứ 28/63 tỉnh thành, thu 8.000 tỷ đồng từ du lịch- Ảnh 2.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Năm 2024: Thừa Thiên Huế phấn đấu tăng trưởng 8,5-9,5%

Lĩnh vực trồng trọt tăng trưởng khá. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 340 nghìn tấn, tăng 24,8% so với năm 2022. Tổng diện tích gieo cấy lúa đạt 53.435 ha, năng suất ước đạt 62,5 tạ/ha, tăng 23,8% so với năm 2022; diện tích lúa chất lượng cao đạt 22.000 ha, tăng 12%; tiếp tục duy trì và phát triển các cánh đồng lớn, liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, tổng diện tích cánh đồng lớn đạt khoảng 8.690 ha, tăng 15,4%.

Tính đến tháng 12/2023, tỉnh này đã cấp mới 25 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 9.374,1 tỷ đồng - gồm 8 dự án FDI vốn đăng ký 134,8 triệu USD tương đương 3.219 tỷ đồng.

Tính đến 14/12/2023, có 658 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 9.596,5 tỷ đồng, giảm 17,4% về lượng và tăng 56,4% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 324 doanh nghiệp, giảm 133 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 532 doanh nghiệp, tăng 18 doanh nghiệp; giải thể tự nguyện 128 doanh nghiệp, tăng 5 doanh nghiệp; giải thể theo quyết định thu hồi 185 doanh nghiệp, tăng 181 doanh nghiệp.

Theo Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế, năm 2024, tỉnh này phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 8,5 - 9,5%, GRDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD; thu ngân sách đạt 12.320 tỷ đồng.

Ngành du lịch đặt mục tiêu đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách; trong đó, khách nội địa chiếm 65 - 70%; tổng thu từ du lịch 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Địa phương sẽ giải quyết việc làm cho 17.000 lao động; trong đó, đưa trên 2.050 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn dưới 1,76%; đô thị hóa đạt 60%...

Tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở Duyên hải miền trung Việt Nam bao gồm phần đất liền và phần lãnh hải thuộc thềm lục địa biển Đông; có chung ranh giới đất liền với tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (có 81 km biên giới với Lào) và giáp biển Đông, theo Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.

Đây từng là cố đô trong lịch sử Việt Nam. Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 đơn vị hành chính trực thuộc gồm TP Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và 6 huyện.

Thừa Thiên Huế có khối lượng di sản được công nhận đồ sộ: Di sản văn hóa thế giới - Quần thể di tích cố đô Huế với 18 di tích, Di tích quốc gia đặc biệt - Quần thể di tích Cố đô Huế, Hệ thống di tích đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (qua Thừa Thiên Huế).

Theo Quyết định số 1745/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.

Một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại