Theo tin tức công nghệ vũ trụ mới nhất từ Viện Công nghệ Phương tiện phóng Trung Quốc cho hay, Trung Quốc lên kế hoạch phóng tên lửa đẩy thế hệ mới mang tên Trường Chinh 8 (Long March-8 Y2) trong khoảng thời gian từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2022.
Tân Hoa Xã cho hay, tên lửa Trường Chinh 8 hiện đã được đưa đến Trung tâm Phóng Không gian Văn Xương hôm 21/1 sau một tuần vận chuyển trên biển.
Trường Chinh 8 sẽ trải qua quá trình lắp ráp và thử nghiệm cuối cùng tại bãi phóng ở tỉnh Hải Nam. Sứ mệnh của Trường Chinh 8 theo lịch trình sẽ là vụ phóng tên lửa vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc trong năm 2022; nhưng là vụ phóng thứ hai của nó.
Được thiết kế để phóng trên đất liền và trên biển, tên lửa Trường Chinh 8 trước đó đã thực hiện chuyến phóng đầu tiên vào ngày 22/12/2020 tại bãi phóng ven biển Văn Xương, đưa 5 vệ tinh vào quỹ đạo được chỉ định.
Trường Chinh 8 ra đời và phóng thành công hồi năm 2020 đã lấp đầy khoảng trống về khả năng phóng của Trung Quốc lên Quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời (SSO) cao 700 km so với mặt đất và đáp ứng nhu cầu của các sứ mệnh phóng mật độ cao cho các tàu vũ trụ quỹ đạo trung bình và thấp.
HỒ SƠ 'KHỦNG' CỦA TÊN LỬA TRƯỜNG CHINH 8
Là loại tên lửa có sức nâng hạng trung hai tầng, Trường Chinh 8 cao 50,3 mét, trọng lượng cất cánh là 356 tấn.
Thế hệ tên lửa vũ trụ mới nhất trong dòng Trường Chinh này sử dụng động cơ đẩy chất lỏng, có khả năng chịu tải lên tới 5 tấn, chủ yếu sẽ được sử dụng ở Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO) và Quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời (SSO), CGTN thông tin.
Vì được thiết kế để phóng cả trên đất liền và trên biển (di động), nên Trường Chinh 8 có thể được phóng từ cả bãi phóng ven biển ở Văn Xương và Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền - bãi phóng trên cạn ở tây bắc Trung Quốc.
Hình ảnh tên lửa Trường Chinh 8 phóng lần đầu tiên năm 2020 tại bãi phóng ven biển Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, ngày 22 tháng 12 năm 2020. Ảnh: CNSA
So với người tiền nhiệm của nó (có hai động cơ phụ trợ ở hai bên), Trường Chinh 8 sẽ không có động cơ phụ trợ.
Điểm cải tiến của Trường Chinh 8 là tên lửa sử dụng động cơ đẩy không độc hại của hydro lỏng và oxy lỏng, tạo ra nước sau khi đốt cháy, đảm bảo quá trình phóng thân thiện với môi trường.
Chưa dừng ở đó, các nhà khoa học Trung Quốc lên kế hoạch chế tạo một biến thể tương lai Trường Chinh 8 có thể tái sử dụng, với giai đoạn đầu tiên và tên lửa đẩy được thu hồi thông qua quá trình cất/hạ cánh thẳng đứng (VTVL).
Đây được xem là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển các phương tiện phóng có thể tái sử dụng và VTVL, điều này sẽ giảm đáng kể chi phí của các vụ phóng vào không gian và do đó có triển vọng tươi sáng trên thị trường phóng thương mại.
NHỮNG KẾ HOẠCH KHÔNG GIAN TÁO BẠO CỦA TQ
Trong tương lai, Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng thế hệ tên lửa Trường Chinh tiếp theo mang tên Siêu tên lửa Trường Chinh 9 - Dự kiến sẽ là tên lửa vũ trụ mạnh nhất lịch sử nước này.
Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) thông tin, Trường Chinh 9 có khả năng nâng 190 tấn lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO) - tương đương với Saturn V, một tên lửa đẩy hạng nặng mạnh nhất thế kỷ 20 do NASA làm ra.
Các kế hoạch hiện tại yêu cầu Trường Chinh 9 phải có khả năng chịu tải tối đa là 140 tấn tới Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO), 50 tấn khi bay xuyên Mặt Trăng và 44 tấn khi lên sao Hỏa.
Dự kiến, Trường Chinh 9 sẽ được phóng thử vào năm 2028. Đến năm 2030, Bắc Kinh sẽ cho Trường Chinh 9 đi vào hoạt động.
Hình ảnh mô phỏng tên lửa Chu Tước 2 phóng vào không gian. Ảnh: LandSpace
Trong bối cảnh liên quan, cũng trong năm 2022, Trung Quốc lên kế hoạch phóng tên lửa Chu Tước 2 - tên lửa chạy bằng nhiên liệu mê-tan hóa lỏng đầu tiên của nước này tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền.
Giám đốc điều hành Landspace Zhang Changwu cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11 năm 2021 rằng Chu Tước 2 có thể cất cánh vào quý đầu tiên của năm 2022.
'Trái tim năng lượng' của Chu Tước 2 đến từ nhiên liệu ôxy và metan hoá lỏng, Space News thông tin.
Chu Tước 2 (Zhuque-2) là tên lửa nhiên liệu lỏng 2 tầng đẩy tầm trung, có đường kính 3,35 mét và cao 49,5 mét. Tên lửa này nặng 216 tấn, sở hữu lực đẩy lên đến 268 tấn. Nhờ đó, Chu Tước 2 có khả năng chịu tải lên đến 6 tấn ở Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO) và 4 tấn ở Quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời (SSO), Space News cho hay.
Nếu phóng thành công, tên lửa Chu Tước 2 sẽ ghi kỷ lục là tên lửa chứa mê-tan hóa lỏng đầu tiên của Trung Quốc và là tên lửa nhiên liệu lỏng đầu tiên do một công ty tư nhân nước này phát triển (công ty LandSpace).
Reuters nhận định, Trung Quốc đang rất bận rộn với chương trình không gian táo bạo của mình và họ cũng đã đạt được những thành tựu khổng lồ khiến các cường quốc không gian như Mỹ, Nga... phải kinh ngạc: Đầu tháng 12/2020, Trung Quốc đã mang các mẫu vật liệu đất đá từ Mặt Trăng về Trái Đất kể từ lần lấy mẫu Mặt Trăng cuối cùng năm 1976. Vào tháng 7/2020, Trung Quốc đã khởi động sứ mệnh độc lập đầu tiên lên sao Hỏa. Khoảng năm 2022, Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành Trạm Vũ trụ Trung Quốc có tên Thiên Cung, có người ở; Chưa kể năm 2028 ra mắt Trường Chinh 9 và đi vào sử dụng năm 2030...
Bài viết sử dụng nguồn: Reuters, Tân Hoa Xã, CGTN, SpaceNews