Năm 2018, Hà Nội có thể uống nước trực tiếp tại vòi: Nước này có đảm bảo sạch không?

Hoàng Minh |

Chất lượng nước tại cơ sở cấp nước có thể uống được tại vòi. Tuy nhiên trong quá trình phân phối, lưu trữ, chất lượng nước có thể bị ảnh hưởng.

Theo chính quyền TP Hà Nội, tới hết năm 2018, đầu nguồn nước máy của thành phố (tại cơ sở cấp nước) đều đáp ứng chất lượng nước có thể uống tại vòi. Con số cơ sở cấp nước tập trung trên toàn thành phố hiện là 140, cấp nước cho người dân đô thị và gần 40% dân số nông thôn. Dự kiến hết năm 2018, mạng lưới cấp nước máy sẽ phủ kín 100% xã, phường của Hà Nội.

Thông tin trên quả thật là vui. Nhưng trong khi chờ đến hết năm 2018 để có thể trực tiếp uống nước tại vòi, cần làm rõ câu hỏi chất lượng nước tại vòi có đảm bảo sạch không.

Nước máy có sạch không?

Hiện nay có 109 chỉ tiêu đánh giá chất lượng nước máy tại các đô thị (nước máy nông thôn và nước hộ gia đình tự khai thác như giếng khoan, nước mưa, nước giếng đào có ít chỉ tiêu đánh giá chất lượng hơn nhiều). Nếu đạt đủ 109 chỉ tiêu đó, nước có thể uống được tại vòi. Các nhà chung cư hiện nay đều sử dụng nguồn nước được đánh giá bằng 109 chỉ tiêu này.

Chúng được chia làm 3 nhóm theo mức độ giám sát: Nhóm A gồm 15 chỉ tiêu, nhóm B gồm 16 chỉ tiêu (trong đó có 2 chỉ tiêu đánh giá ô nhiễm phóng xạ, Hà Nội chưa có nguy cơ ô nhiễm phóng xạ vào nước nguồn nên chưa cần đánh giá), nhóm C gồm 78 chỉ tiêu.

Ngoài việc tự kiểm tra của cơ sở cấp nước định kỳ hàng tuần và hàng năm (tùy từng chỉ tiêu, được quy định dựa trên nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng của thời tiết đến chất lượng nước nguồn).

Hàng năm, cơ quan chức năng đều tổ chức kiểm tra chất lượng nước tại cơ sở cấp nước, đủ 107 chỉ tiêu chất lượng theo quy định (trừ 2 chỉ tiêu phóng xạ do chưa phát hiện thấy có nguy cơ) cũng như đánh giá nguy cơ ô nhiễm nước tại 100% cơ sở cấp nước đang hoạt động.

Năm 2018, Hà Nội có thể uống nước trực tiếp tại vòi: Nước này có đảm bảo sạch không? - Ảnh 1.

Bên trong 1 trạm cấp nước cục bộ tại đô thị

Tuy nhiên không phải lúc nào chất lượng nước từ các nhà máy nước cũng đạt 107 chỉ tiêu đó. Tại một số thời điểm, cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở vi phạm. Các chỉ tiêu vi phạm chủ yếu là các chỉ tiêu chỉ điểm vệ sinh, đơn vị vi phạm là các trạm cấp nước nông thôn có sản lượng nhỏ, thiếu kinh phí vận hành, đã xuống cấp.

Chất lượng nước tại cơ sở cấp nước tốt vậy (hầu hết có thể uống được tại vòi) tuy nhiên trong quá trình phân phối, lưu trữ, hệ thống đường ống bị xâm nhập nước thải, bể chứa kém vệ sinh khiến cho nước có nguy cơ bị ô nhiễm hữu cơ (chủ yếu từ nước thải như nước cống, bể phốt …).

Người dân hoàn toàn có thể kiểm tra chất lượng nước máy bằng cách lấy mẫu mang đi xét nghiệm. Nên xét nghiệm 15 chỉ tiêu nhóm A, có thể thêm chỉ tiêu Amoni (chỉ điểm vệ sinh và ô nhiễm hữu cơ) với chi phí khoảng 1 triệu đồng/mẫu.

Tại Hà Nội, các phòng thí nghiệm của Viện Y học lao động, Quatest 1 (Hoàng Quốc Việt), Viện Khoa học Việt Nam, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội... đều có năng lực kiểm tra xét nghiệm theo yêu cầu này.

Năm 2018, Hà Nội có thể uống nước trực tiếp tại vòi: Nước này có đảm bảo sạch không? - Ảnh 2.

Một trạm cấp nước nông thôn đã xuống cấp

Một số chỉ tiêu chất lượng hay gặp và được người dân quan tâm

1. Amoni và chỉ số pecmanganat

Đây là 2 chỉ tiêu chỉ điểm ô nhiễm hữu cơ.

Amoni là sản phẩm của quá trình phân giải các chất hữu cơ. Nó còn được biết đến với mùi khai đặc trưng của nước tiểu. Nếu nước mới ô nhiễm nước tiểu hay động vật chết đang phân hủy, chỉ số Amoni sẽ tăng cùng một số chỉ số như Clorua, vi sinh vật, chỉ số pecmanganat, nitrit. May mắn, Hà Nội chưa bắt gặp chuyện đó trong nước máy.

Nếu các chỉ số phụ trợ nói trên không tăng cao, có nghĩa các chất hữu cơ đã đi đến giai đoạn cuối cùng của quá trình phân hủy hay nguồn nước đó đã tương đối an toàn.

Khi Amoni trong nước cao, luộc thịt có thể có màu đỏ, nhìn ghê ghê nhưng ăn vẫn không có vấn đề gì. Amoni có gây độc khi chúng ta nuốt trọn Amoni ở mức 200mg/kg trọng lượng cơ thể. Nhưng hiếm ai uống được ở mức này vì mùi vị rất khai.

Có một số ý kiến cho rằng Amoni kết hợp với Clo trong nước, tích tụ trong cơ thể gây ung thư, nhưng hiện nay chưa có trường hợp nào trên thế giới được ghi nhận (theo WHO).

Chỉ số pecmangant đánh giá nhu cầu oxy của nước cho quá trình tự làm sạch.

Hai chỉ tiêu trên, khi vượt quá sẽ phản ánh chất lượng xử lý của cơ sở cấp nước, phản ánh sự xấu đi của chất lượng nước nguyên liệu. Nó không ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe, không trực tiếp gây bệnh, dịch bệnh khi các chỉ tiêu liên quan như Clorua, vi sinh vật… không đồng loạt tăng theo.

Năm 2018, Hà Nội có thể uống nước trực tiếp tại vòi: Nước này có đảm bảo sạch không? - Ảnh 3.

Chất lượng nước tại trạm cấp nước nông thôn đã xuống cấp và chưa có nguồn nước khác thay thế (nước này bị nhiễm sắt cao nên cặn bẩn nhiều)

2. Coliform và E.coli

Chỉ tiêu Coliform phản ánh nước đã bị các vi sinh vật xâm nhập (từ bụi bẩn, đất…). Chỉ tiêu E.coli phản ánh nước bị nhiễm phân, xác động vật (có thể từ người, động vật).

Khi nước bị nhiễm 2 chỉ tiêu này, đặc biệt là E.coli, người ta sẽ lo lắng nguồn nước đó có nguy cơ bị nhiễm thêm các vi sinh vật gây bệnh như tả, lị, thương hàn… nhưng Coliform và E.coli trong nước không trực tiếp truyền bệnh cho người.

3. Sắt, Mangan, độ cứng (Canxi, magiê)

Sắt, Mangan, độ cứng khi xuất hiện trong nước, cho dù có đạt quy chuẩn nhưng chúng vẫn để lại dấu tích cho người dùng phát hiện.

Sắt hơi cao (dù vẫn đạt tiêu chuẩn) vẫn khiến cho nước có màu vàng đục, nước chè chuyển màu đỏ, uống thấy hơi tanh nhưng nó lại không có hại cho cơ thể khi ăn uống (giống như phụ nữ mang thai vẫn phải uống sắt đều). Tuy nhiên, tại vùng sử dụng nước có sắt cao, chị em có làn da mỏng manh sau khi tắm sẽ bị một chút sắt cô lại đọng trên da, kết hợp ánh nắng mặt trời tạo nên làn da sạm.

Mangan tạo nên cặn đen trong bình đun nước, tại thành bể chứa tích tụ dần. Cho dù Mangan còn xa mới vượt chuẩn được nhưng nhờ màu đen huyền bí đó mà các cơ sở cấp nước chưa bao giờ dám để cho hàm lượng Mangan trong nước đến được 1/2 giới hạn tối đa cho phép.

Độ cứng: Khi độ cứng thấp dưới 1/3 ngưỡng cho phép, nước trở nên hơi nhớt; khi nó lên cao tới 2/3 của ngưỡng cho phép, bạn sẽ thấy váng trên bề mặt, bình đun đóng cặn.

Về cơ bản, độ cứng chỉ ảnh hưởng đến nồi hơi và cặn trong bình đun nước, chưa thấy ảnh hưởng gì đến sức khỏe, bạn không lo uống nước bị sỏi thận. Vẫn còn sợ thì đun nước lên rồi uống, đừng uống nước lã hay uống nước cả cặn là được.

4. Asen (thạch tín)

Đây là một chất độc khi hòa vào nước sẽ không màu, không mùi, không vị. Khi nhiễm thạch tín từ từ, người ta sẽ có biểu hiện: Có các nốt sẩn hoặc mất màu đối xứng ở da; sừng hóa da, kéo dài có thể dẫn đến cụt chi (giống hủi); nếu còn tiếp tục bị nhiễm độc bổ sung, sau 15-20 năm sẽ có nguy cơ bị ung thư, sảy thai.

Lượng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe được ghi nhận là 0,05mg trong một lít nước ăn uống. Ít hơn, cơ thể sẽ đào thải được. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chất lượng nước ăn uống (sử dụng cho nhà chung cư) chỉ là 0,01mg/l. Do đó, các cơ sở cấp nước không đạt chỉ tiêu này và có nguồn nước khác thay thế sẽ bị đóng cửa (như trạm cấp nước Mỹ Đình II – Hà Nội trước đây).

Có nên sử dụng máy lọc nước không?

Hiện nay, trên thị trường các loại máy lọc RO được ưa chuộng. Về lý thuyết, công nghệ lọc nước của các máy RO đáp ứng được các yêu cầu xử lý nước tại hộ gia đình trong trường hợp nước máy còn một số chỉ tiêu chưa đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, khi sử dụng máy lọc, các bạn cần lưu ý:

Máy lọc RO chỉ hoạt động hiệu quả đối với nguồn nước cấp có độ bẩn nhất định, có nghĩa là nếu nước bẩn quá sẽ không lọc được. Để đảm bảo rằng máy đó hiệu quả đối với nguồn nước đang sử dụng tại nhà bạn, hãy lấy nước mang đi xét nghiệm.

Thông thường, các cơ sở xét nghiệm sẽ yêu cầu các bạn mua lấy 4 chai nước tinh lọc loại 500 ml, tuyệt đối không dùng chai nước ngọt, nước khoáng (nên mua của hãng có danh tiếng), đổ hết nước, sau đó lấy nước từ máy lọc, súc lại một lần rồi lấy đầy chai tới nắp, đóng lại mang nước đó đi xét nghiệm.

Máy lọc RO có nước thải, bạn cho vào 1 lít, thu về 0,5 lít và đổ đi 0,5 lít. Nước thải đổ đi đó bạn tuyệt đối không tái sử dụng cho ăn uống, rửa rau … vì trong đó có lượng chất bẩn không lọc được rất cao.

Năm 2018, Hà Nội có thể uống nước trực tiếp tại vòi: Nước này có đảm bảo sạch không? - Ảnh 4.

Máy lọc nước là một thiết bị được nhiều gia đình sử dụng để có nguồn nước sạch, bảo đảm

Tần suất thay cột lọc

Được căn cứ vào 3 yếu tố: Thời gian sử dụng, lượng nước đã lọc và chất lượng nước đầu vào. Thời gian sử dụng sẽ được nhà cung cấp khuyến cáo. Lượng nước và chất lượng nước đầu vào rất khó xác định nếu không có các xét nghiệm cần thiết, do đó tạm thời chúng ta quan sát bằng mắt các cột lọc, nếu thấy bẩn mà chưa đến thời điểm phải thay cột lọc, hãy thay nó đi.

Hậu quả của việc không thay cột lọc kịp thời

Cột lọc như một cái túi đựng chất thải từ nước đã lọc. Khi cái túi này đầy, nó có thể bục một số chỗ, thải ra lượng lớn chất bẩn và giúp cho gia đình bạn đảm bảo được sử dụng nước bẩn.

Hãy cân nhắc túi tiền của mình trước khi mua máy lọc. Sự tốn kém không phải là giá máy lọc, nó đến từ giá của lượng nước thải bạn đổ đi và cột lọc thay thế định kỳ.

Năm 2018, Hà Nội có thể uống nước trực tiếp tại vòi: Nước này có đảm bảo sạch không? - Ảnh 5.

Đun sôi nước khiến cho amoni bay hơi, một phần Asen cũng thăng hóa, vi sinh vật bị giết chết...

Nếu không muốn sử dụng máy lọc, hãy đun sôi nước trước khi sử dụng

Việc đun sôi nước (mất 3-5 phút kể từ khi có tăm khí), sẽ khiến cho amoni bay hơi, một phần Asen cũng thăng hóa, vi sinh vật bị giết chết, canxi và magiê lắng cặn giúp cho bạn có một lượng nước tốt chẳng thua kém gì máy lọc loại tốt.

Điều đặc biệt, đun sôi nước giúp bạn giết chết vi sinh vật, điều mà các loại máy lọc thông thường rẻ tiền hay loại cao cấp không được bảo dưỡng thường xuyên sẽ không làm được. Hay không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại