2017 và cơn bão "dị thường"
Phát biểu trên Lao Động, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia - cho biết, nếu như năm 2013 được cho là năm kỷ lục về số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông (với 13 cơn bão và 6 ATNĐ) thì năm 2017 đã vượt qua kỷ lục đó với 16 cơn bão và 4 ATNĐ.
"Chưa năm nào Việt Nam hứng chịu tới 20 cơn bão và ATNĐ. Đây chính là bởi ảnh hưởng của hiện tượng La Nina và biến đổi khí hậu.
Điểm "dị thường" của bão số 16 Tembin là xuất hiện cuối năm, khi nền nhiệt độ cả trên biển và khí quyển ở vùng Biển Đông đã nguội lạnh, trong khi các cơn bão chỉ hình thành khi nhiệt độ trên 27 độ C (trước kia, 26,5 độ C đã đủ điều kiện hình thành bão).", Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia Khí tượng Thủy văn nói.
Nếu như những tháng đầu năm 2017 chứng kiến những đợt nắng nóng gay gắt, đặc biệt là đợt nắng nóng diễn ra trong 6 ngày đầu tháng 6, đã phá vỡ một số kỷ lục trong chuỗi số liệu quan trắc. Ví dụ như: Tại khu vực Láng (Hà Nội) đạt mức nhiệt 41,8 độ C (kỷ lục cũ là 40,8 độ C vào ngày 3/7/2015); Tại Phủ Lý (Hà Nam) đạt mức nhiệt 41,0 độ C (kỷ lục cũ là 39,7 độ C ngày 15/5/2013; Tại thành phố Bắc Giang (Bắc Giang) đạt 40,5 độ C (kỷ lục cũ là 39,1 độ ngày 18/6/1983), theo lời ông Lê Thanh Hải...
Thì những tháng cuối năm, vào mùa mưa bão, lại chứng kiến những trận bão không chỉ mạnh mà còn xuất hiện muộn hơn các mùa bão năm trước đó.
Những trận bão mạnh của năm 2017
Dưới đây là danh sách những trận bão mạnh, "dị thường" và đáng chú ý nhất trong năm 2017 tại Việt Nam:
Tháng 12: Bão số 16 Tembin - Cơn bão "dị thường" nhất năm 2017
Bão số 16, tên quốc tế là Tembin, được xem là cơn bão "dị thường" nhất của năm 2017. Bởi, nó không chỉ xuất hiện muộn vào cuối năm với cường độ mạnh và di chuyển nhanh mà còn là cơn bão khiến các chuyên gia khí tượng phải đặt tên tới lần thứ 16 trong một năm (Các năm trước đây, năm nhiều nhất cũng chỉ có 15 cơn bão).
Xuất hiện từ vùng áp thấp nhiệt đới vào ngày 16/12, Tembin mạnh dần lên thành bão. Đến ngày 25/12, các đài Khí tượng thủy văn đo được sức gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15 và sóng cao 8-10 mét.
Rất may, vào chiều ngày 25/12, bão số 16 giảm cấp và di chuyển lệch về phía nam và tan dần trên biển.
Mưa lũ từ bão Tembin gây ngập lụt trên diện rộng tại miền nam Philippines. Ảnh: Getty Images
Trước đó, tính đến ngày 24/12, sau khi bão Tembin đổ bộ vào miền nam Philippines, con số thương vong về người và thiệt hại về của tăng mạnh. Cụ thể, ít nhất 200 người thiệt mạng, ít nhất 290 người mất tích, 86 người bị thương; Khoảng 120.000 người sơ tán và tị nạn; Gần 1.000 ngôi nhà bị phá hủy và bị bùn chôn lấp; Mưa lớn cộng bão lũ tàn phá công trình giao thông, cây cối, gây mất điện diện rộng - Số liệu của Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Philippines.
Tháng 11: Bão số 12 Damrey - Hậu quả quá mức tưởng tượng
Đây là lần thứ hai trong năm 2017, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (cảnh báo màu đỏ), gần sát với mức nguy hiểm cao nhất ở các tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận.
Từ tối ngày 3/11 đến sáng ngày 4/11, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão đo được ở cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15.
Mặc dù đã được dự báo, cảnh báo từ rất sớm và có thời gian để các tỉnh triển khai ứng phó, nhưng hậu quả của cơn bão số 12 Damrey đã quá mức tưởng tượng về mức độ tàn phá:
VTV đưa tin, 106 người đã thiệt mạng, 25 người mất tích do mưa bão từ cơn bão số 12 Damrey gây ra.
Tại Khánh Hòa, nơi tâm bão đi qua, từ khi bão vào đất liền đến lúc bão đi qua, chỉ vài giờ ngắn ngủi nhưng đã lấy đi của người dân những sản nghiệp tích luỹ cả cuộc đời. Bà con đang làm đêm khấm khá, chỉ sau một đêm sạt nghiệp.
Chỉ sau 1 ngày tràn qua Tây Nguyên, bão số 12 đã khiến cho hàng ngàn nông dân rơi vào cảnh trắng tay.
Riêng tại Thừa Thiên - Huế, mặc dù nằm xa vùng tâm bão, tuy nhiên do ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa lớn đã khiến một số khu vực và nhà dân tại đây bị ngập nặng; một nửa thành phố cổ Hội An (Quảng Nam) đã ngập sâu trong nước.
Bão Damrey còn gây ảnh hưởng đến các nước khác như Philippines, Campuchia, Thái Lan, Malaysia.
Lần đầu tiên kể từ khi Luật phòng, chống thiên tai có hiệu lực (năm 2014), Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã phải đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (cảnh báo màu đỏ) đối với cơn bão số 10 Doksuri (lần cảnh báo cấp 4 thứ hai ở cơn bão số 12 Damrey nêu trên).
Tính đến sáng ngày 15/9, bão số 10 Doksuri có sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung Bộ. Hậu quả mà bão số 10 để lại rất lớn.
Tính đến hết ngày 17/9, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai thống kê: Bão số 10 Doksuri khiến tổng 221 người thương vong; hơn 200.000 ngôi nhà ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế bị sập, tốc mái, ngập trong nước; ngoài ra, gần 20.000 ha lúa bị ngập, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân.
Riêng tại tình Hà Tĩnh, Tuổi Trẻ thông tin theo thống kê của UBND tỉnh Hà Tĩnh: Có 2 người chết sau bão, 80 người bị thương nhẹ. 93.200 nhà bị hư hỏng tốc mái, 231 điểm trường bị ảnh hưởng, 2.395 cột điện đổ gãy, 159km dây điện bị đứt. Tổng thiệt hại lên đến hơn 6.000 tỷ đồng.
Khí thải từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt và giao thông của con người góp phần khiến cho biến đổi khí hậu diễn biến ngày phức tạp. Ảnh minh họa.
Tiểu kết: Các nhà khí tượng học cho biết, một cơn bão được hình thành nhờ hai yếu tố chính, đó là độ ẩm khí quyển và nhiệt độ bề mặt nước biển.
Tuy nhiên, do hoạt động của con người nên sức mạnh của các cơn bão được tăng cường. Cụ thể, các loại khí thải nhà kính (như CO2, mê-tan, N2O...) từ hoạt động xây dựng, sản xuất, giao thông... của con người phát thải ra bầu không khí khiến cho nó ngày càng nóng lên, đẩy nhanh sự bay hơi và tăng độ ẩm trong khí quyển (từ đó tạo nên một trong các yếu tố gây hình thành bão).
Trong cùng một năm, cũng từ các hoạt động của con người mà biến đổi khí hậu ngày một phức tạp: Những tháng đầu năm thì xuất hiện những đợt nắng nóng kỷ lục, trong khi đó, những tháng cuối năm lại có những cơn bão lớn, gây thiệt hại nặng nề.
Thiên nhiên đành rằng luôn tiềm ẩn những sức mạnh khiến con người trở nên nhỏ bé, nhưng cũng chính từ những hoạt động của con người gây tác động đến thiên nhiên khiến cho sức mạnh đó ngày một khó lường, nguy hiểm.
Hiểu về các cấp độ rủi ro thiên tai do bão (từ cấp 3 đến cấp 5)
1. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 gồm các trường hợp sau:
a) Áp thấp nhiệt đới, bão cấp 8, cấp 9 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa), vùng biển ven bờ (bao gồm vịnh Bắc Bộ, Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang), trên đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ;
b) Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa), vùng biển ven bờ, trên đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ;
c) Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).
2. Rủi ro thiên tai cấp độ 4 gồm các trường hợp sau:
a) Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ;
b) Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ;
c) Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).
3. Rủi ro thiên tai cấp độ 5 gồm các trường hợp sau:
a) Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ;
b) Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ.
4. Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão được xem xét xác định tăng thêm một cấp, đến cấp cao nhất là cấp 5, khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
a) Áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển ven bờ kết hợp với hoạt động của gió mùa Đông Bắc, gió mùa Tây Nam mạnh;
b) Áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên đất liền nơi đang xảy ra mưa lớn, lũ, ngập lụt lớn hoặc trùng hợp với thời kỳ triều cường, nước biển dâng cao ở vùng ven bờ.
(Theo Điều 3, Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai)
Bài viết sử dụng nguồn: VTV, Lao Động, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia