Kể từ khi mới xuất hiện, nghệ thuật nhiếp ảnh đã thay đổi cách mà chúng ta ghi lại lịch sử, thông qua việc lưu giữ những khoảnh khắc giá trị nhất trong cuộc sống cho những thế hệ tương lai.
Vào thế kỉ 19, những người thợ chụp ảnh phải mất cả năm trời luyện tập mới có thể dùng được máy ảnh để chụp hình. Những thiết bị ngày đó hết sức đắt giá, cũng như chẳng kém phần nguy hiểm - bởi máy ảnh ngày đó còn bao gồm cả nhiều loại hóa chất có khả năng phát nổ nếu như không được sử dụng đúng cách.
Còn ngày nay thì sao? Việc chụp hình đã trở nên đơn giản đến mức giờ chúng ta có thể sẵn sàng chụp hình mọi lúc mọi nơi, chỉ với một thao tác bấm nút là xong. Cũng vì lý do này mà đối với nhiều người, chụp ảnh check-in đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
"Cha đẻ" của máy ảnh kỹ thuật số Steven Sasson
Việc chụp ảnh đã có nhiều bước tiến xa đến như vậy không thể không kể đến công lao của Steven Sasson - người đã phát minh ra chiếc máy ảnh kĩ thuật số đầu tiên vào năm 1975.
Có thể khi đọc đến đây, các bạn sẽ tự hỏi, tại sao phải đến tận thế kỉ 21 máy ảnh kĩ thuật số mới trở nên phổ biến, còn trước đó hầu như không ai biết đến sự tồn tại của nó? Trong khi rõ ràng loại máy ảnh này được phát minh từ trước đó rất lâu rồi?
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy cùng quay ngược trở về thời điểm mà Steven Sasson bắt đầu công việc của mình tại Kodak vào năm 1973.
Khi đó, cậu kĩ sư trẻ Sasson được giao nhiệm vụ tìm hiểu xem linh kiện tích điện kép (ngày nay được biết đến dưới tên gọi cảm biến CCD) có ích lợi gì trong việc sản xuất máy ảnh hay không.
Đối với Sasson, công việc này chẳng có gì là khó khăn cả, vì CCD đã được phát triển và hoàn thiện từ năm 1969 bởi Willard Boyle và George E.Smith. Thậm chí Sasson khi ấy còn nghĩ rằng hãng giao công việc này cho cậu để cậu không phải "ăn không ngồi rồi" không có việc gì làm.
Cũng vào thời điểm này, Sasson đã phát minh thành công chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên, mà theo miêu tả của ông là "to như cái lò nướng bánh". Ông biết rằng, thứ mình tạo nên có tiềm năng có thể thay đổi toàn bộ ngành nhiếp ảnh, và giới thiệu phát minh này đến với ban lãnh đạo của Kodak.
Tuy nhiên, phản ứng của ban lãnh đạo lại khác xa so với những gì Sasson hy vọng.
Họ chẳng tỏ vẻ gì là bất ngờ, hào hứng hay ngạc nhiên với phát minh của Sasson cả. Tuy nhiên, Sasson không biết rằng phản ứng đó đến từ việc ban lãnh đạo nhận ra phát minh này có khả năng đe dọa "đế chế" hùng mạnh của Kodak lúc đó như thế nào.
Ở thời điểm bấy giờ, Kodak là ông lớn trong thị trường nhiếp ảnh Mỹ, và mọi công việc liên quan đến nhiếp ảnh đều có thể giúp Kodak "hái ra tiền".
Khi đó, Kodak gần như một tay thao túng toàn bộ thị trường nhiếp ảnh. Năm 1976, 85% số lượng máy ảnh được bán ra tại thị trường Mỹ là do Kodak sản suất.
Với một số lượng máy ảnh phim khổng lồ như thế, thì việc xuất hiện một chiếc máy ảnh không-dùng-đến-phim sẽ đe dọa đế chế của Kodak như thế nào? Và nếu chiếc máy ảnh này phổ biến ra ngoài, thì đống phim mà Kodak sản xuất ra sẽ bán cho ai?
Tuy nhiên, Kodak vẫn để cho Sasson tiếp tục phát triển và hoàn thiện chiếc máy ảnh kĩ thuật số đầu tiên, và phát minh này được cấp bằng sáng chế vào năm 1978.
Tuy nhiên, Sasson bị cấm hoàn toàn việc chia sẻ thông tin về chiếc máy ảnh này ra bên ngoài công ty, cũng như không được cho ai khác nhìn thấy nguyên mẫu máy ảnh của mình.
Chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới
14 năm sau đó, Sasson tiếp tục sáng tạo ra chiếc máy ánh DSLR đầu tiên trên thế giới cùng với sự trợ giúp của người đồng nghiệp Robert Hills.
Tuy nhiên, chiếc máy ảnh này cũng chịu chung số phận với chiếc máy ảnh kỹ thuật số năm nào, bởi Kodak vẫn không tài nào chịu buông tay khỏi thị trường bán phim vốn đem lại một khoản doanh thu không nhỏ cho hãng.
Theo tờ New York Times, thì chính bằng sáng chế của máy ảnh kỹ thuật số đã đem lại hàng tỷ USD cho Kodak khi các hãng máy ảnh khác tham gia vào cuộc chơi mới này. Tuy nhiên, lợi nhuận cũng chẳng kéo dài lâu cho Kodak, khi mà quyền sở hữu phát minh của hãng hết hiệu lực vào năm 2007.
Và, Kodak dần bị loại khỏi cuộc chơi, do không có sự chuẩn bị để tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường máy ảnh số.
"Ông lớn" một thời tại Mỹ đến năm 2012 đã dần chạm đến bên bờ vực phá sản, buộc lòng phải bán đứt các sáng chế của mình để tự cứu sống bản thân, và đến nay giá trị vốn hóa thị trường của Kodak thậm chí còn chẳng chạm đến mốc 1 tỉ USD.
Ngày nay, chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên của Sasson được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia về lịch sử Mỹ, còn Steven Sasson được trao Huân chương quốc gia về công nghệ và sáng chế vào năm 2009.
Nguồn: thevintagenews