Giao tranh đã tái diễn giữa các lực lượng của Armenia và Azerbaijan tại khu vực xung đột Nagorno-Karabakh bất chấp việc các cường quốc và nhóm trung gian Minsk liên tục kêu gọi tuân thủ lệnh ngừng bắn nhân đạo. Armenia cảnh báo, sự can dự và tham vọng bành trướng sang Nam Caucasus của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ biến Nagorno-Karabakh và toàn bộ Caucasus thành vùng chiến sự như Syria.
Azerbaijan cáo buộc các lực lượng Armenia vi phạm lệnh ngừng bắn nhân đạo được nhất trí hôm 10/10 khi pháo kích vào Goranboy, Aghdam và Terter. Armenia cũng cáo buộc đối phương có các hành động quân sự tương tự.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố chỉ khi nào Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi quan điểm về Nagorno-Karabakh thì Azerbaijan mới ngừng hành động quân sự tại vùng lãnh thổ nhỏ bé ở Nam Caucasus này.
“Armenia và Azerbaijan đã bày tỏ sẵn sàng nối lại đàm phán trong khung thời gian sớm nhất. Nhưng phạm vi của vấn đề rộng hơn, đó là vì Thổ Nhĩ Kỳ đến Nam Caucasus để tiếp tục chính sách giống như họ đang thực hiện ở Địa Trung Hải chống lại Hi Lạp và Síp hay như những gì mà họ đang làm ở Syria và Iraq.
Tôi nghĩ, Thổ Nhĩ Kỳ không nên can dự vào đàm phán về Nagorno-Karabakh bởi họ không muốn đàm phán giải quyết vấn đề mà thực chất muốn giành quyền hợp pháp để có mặt tại Nam Caucasus”, Thủ tướng Pashinyan nhấn mạnh.
Trước đó Armenia cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ điều 4.000 tay súng từ Syria tới hỗ trợ Azerbaijan trong cuộc xung đột ở vùng Nagorno-Karabakh, cũng như cung cấp nhiều máy bay không người lái (UAV) cho Azerbaijan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bác bỏ các cáo buộc song liên tục khằng định "sẽ tiếp tục đứng về phía những người anh em ở Azerbaijan”. Trên thực tế, kể từ khi nổ ra giao tranh hôm 27/9, Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ mạnh mẽ Azerbaijan và cho rằng các lực lượng Armenia cần phải rời đi.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cảnh báo, nếu tình hình không được kiểm soát, sức ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ biến Nam Caucasus thành Syria thứ 2 và ngọn lửa chiến tranh sẽ còn lan rộng ra phía Nam và Bắc Caucasus.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố, lời kêu gọi của quốc tế về ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh là hợp lý nhưng các cường quốc cũng cần hối thúc Armenia rút ra khỏi vùng đất thuộc Azerbaijan. Thổ Nhĩ Kỳ muốn đóng vai trò trong các cuộc thảo luận quốc tế nhưng bị Armenia cho là nỗ lực thực hiện tham vọng của chủ nghĩa bành trướng.
Nga, Liên minh châu Âu cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhóm Minsk thuộc OSCE đang kêu gọi các bên đưa ra cam kết lớn hơn đối với các điều khoản của lệnh ngừng bắn.
Cuộc xung đột hiện đang được thế giới theo dõi sát sao, một phần vì khu vực này rất gần với đường ống dẫn khí đốt của Azerbaijan sang châu Âu và phần vì lo ngại Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể “nhảy vào” cuộc chiến.