"Bức thư chia tay" rúng động
Theo tờ Politico, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan trong ngày 7/3 cho biết, Nga đã nhận được thông báo chính thức rằng: Lực lượng biên phòng của Nga "không còn được chào đón tại sân bay Zvartnots ở thủ đô Yerevan (Armenia)".
"Armenia đã thông báo cho phía Nga rằng chúng tôi không cần lực lượng biên phòng của biên phòng Nga tại sân bay nữa. Tất nhiên là... cảm ơn phía Nga" - Ông Mirzoyan nói.
Trước đó, Thư ký Hội đồng An ninh Armenia ngày 6/3 thông báo, chính phủ Armenia đã quyết định chấm dứt nhiệm vụ của Lực lượng biên phòng Nga tại sân bay quốc tế Zvartnots ở thủ đô Yerevan.
Bức thư chính thức đã được gửi tới Moscow, yêu cầu Nga rút lực lượng khỏi sân bay Zvartnots.
Ông Mirzoyan cho biết, theo thỏa thuận năm 1992 giữa hai phía, sự hiện diện của lính biên phòng Nga tại Zvartnots được coi là biện pháp tạm thời để hỗ trợ nền độc lập của Armenia.
"Tuy nhiên, giờ đây chúng tôi tin rằng Armenia có đủ năng lực thể chế để thực hiện độc lập các dịch vụ bảo vệ biên giới tại sân bay" - Ông Mirzoyan nói.
Các mốc căng thẳng Nga-Armenia thời gian gần đây:
22/2: Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố đình chỉ tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu.
23/2: Bộ trưởng Quốc phòng Armenia Suren Papikyan tiếp người đồng cấp Pháp Sébastien Lecornu và ký kết hợp đồng mua vũ khí Pháp. Truyền thông Armenia đồng thời đưa tin về kế hoạch đón tiếp Tổng thống Ukraine Zelensky tại thủ đô Yerevan.
27/2: Chỉ trích lực lượng quân đội Nga đang được triển khai ở Armenia, đề cập ý định muốn trục xuất lực lượng Nga ra khỏi sân bay Zvartnots, thủ đô Yerevan.
28/2: Tuyên bố về "tẩy chay", không tham dự các cuộc họp của CSTO và sẽ không duy trì đại diện trường trực tại khối.
Theo Politico "lời tạm biệt thẳng thừng" của Armenia được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Yerevan và Moscow xấu đi nghiêm trọng.
Kể từ thời điểm 22/2/2024, sau khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thông qua cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình France 24 (Pháp) tuyên bố đình chỉ hiệp ước an ninh tập thể với Nga, một chuỗi động thái chống Moscow đã bược Yerevan tung ra, đẩy quan hệ giữa 2 nước lên tới mức "gần như không thể cứu vãn".
Bình luận trên tờ caliber.az (Azerbaijan), nhà phân tích khoa học chính trị David Karapetyan cho rằng, nếu như các động thái trước đó của Yerevan như "tối hậu thư" gửi tới Moscow thì bức thư này như một "giọt nước làm tràn ly", có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho quan hệ song phương Nga-Armenia.
Từ một đồng minh truyền thống, Armenia bỗng "quay lưng" và "tấn công" Nga bằng những động thái quyết liệt nhất. Nguồn cơn của sự rạn nứt này thực ra đã hình thành từ lâu.
Armenia "đầu hàng", Nga thành công
"Armenia đã đầu hàng, Azerbaijan thắng lợi và Nga thì thành công" - Trung tâm nghiên cứu phương Đông OSW (Ba Lan) nhận định, đề cập tới thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Armenia – Azerbaijan vào tháng 11/2020 do Nga làm trung gian.
Sự kiện mang tính bước ngoặt này dường như đã mở màn cho một chuỗi những diễn biến làm tồi tệ hơn nữa quan hệ song phương Nga-Armenia.
Ngày 27/9/2020, xung đột vũ trang ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh bùng nổ dữ dội giữa Azerbaijan–Armenia sau hiệp ước đình chiến ký năm 1994.
Cuộc chiến kéo dài 6 tuần đã khiến hơn 4.000 người thiệt mạng giữa cả 2 phía (bao gồm cả dân thường), 8.000 người bị thương và hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa [theo số liệu do Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố tại cuộc họp trực tuyến về xung đột Azerbaijan–Armenia ngày 13/11/2020].
Giao tranh giữa 2 phía diễn ra ác liệt cho tới khi một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết vào tháng 11/2020 với Nga đóng vai trò trung gian.
Đêm 9-10/11/2020, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cùng Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký tuyên bố đình chỉ giao tranh ở khu vực xung đột Nagorno-Karabakh.
Theo thỏa thuận ngừng bắn này, các bên tham chiến sẽ giữ nguyên vị trí hiện tại của họ. Ngoài ra, trước ngày 1/12/2020, Armenia sẽ phải bàn giao cho Azerbaijan các khu vực tiếp giáp với Nagorno-Karabakh mà họ đã kiểm soát từ năm 1994, ngoại trừ vành đai 5km của "hành lang Lachin".
Lữ đoàn cơ giới số 15 của Nga được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động gìn giữ hòa bình và được triển khai dọc theo đường phân giới. Lực lượng này gồm gần 2000 binh sĩ với trang thiết bị đi kèm, trong đó có xe vận chuyển bọc thép.
Tuy nhiên, thỏa thuận không xác định tình trạng pháp lý của phần địa bàn Nagorno-Karabakh nằm dưới sự kiểm soát của Armenia.
Người biểu tình Armenia đột kích nhà chính phủ, đánh ngất xỉu Chủ tịch Quốc hội sau thỏa thuận ngừng bắn năm 2020
Theo Trung tâm nghiên cứu phương Đông OSW (Ba Lan), nội dung thỏa thuận ngừng bắn đã có tác động lớn đến tình hình nội bộ ở Azerbaijan và Armenia.
Về phía Azerbaijan, thỏa thuận giúp củng cố hơn nữa vị thế của Tổng thống Aliyev – người đã thành công trong việc chấm dứt "sự chiếm đóng" của Armenia đối với các vùng đất của Azerbaijan.
Thế nhưng, đối với Armenia, các điều khoản đình chiến được coi là một "thất bại nhục nhã".
"Armenia đã đầu hàng" – OSW viết. Vào đêm thông tin về thỏa thuận được công bố, một đám đông đã tụ tập trên đường phố Yerevan và đột nhập vào văn phòng Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Ararat Mirzoyan cũng trở thành mục tiêu bị tấn công.
Thời điểm đó, giới phân tích còn dự đoán rằng, chỉ vài ngày nữa thôi, những xáo trộn nghiêm trọng sẽ xảy ra trong nội bộ Armenia và ông Pashinyan có thể sẽ mất quyền lực.
Về phía Nga, thỏa thuận ngừng bắn đạt được không chỉ mang tới lợi ích chính trị, mà còn giúp Moscow nâng tầm vị thế, bởi ở đây họ đang đảm nhận một vai trò rất có sức nặng: Nhà hòa giải. Nói chính xác là "một nhà hòa giải thành công".
Thỏa thuận đã làm nổi bật vai trò chính của Nga trong khu vực. Song, điều đáng ngạc nhiên là Moscow đồng thời đóng 2 vai đối lập trong cuộc xung đột, cung cấp vũ khí cho cả Armenia và Azerbaijan.
Yerevan "vỡ mộng" và hệ quả đỉnh điểm
Năm 2022, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Cũng trong năm này, xung đột Armenia-Azerbaijan tái diễn. Yerevan cầu viện Tổ chức Hiệp ước Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu. Tuy nhiên, theo tờ Moscow Times, Yerevan sớm "vỡ mộng".
"Armenia đã 'vỡ mộng' với CSTO khi tổ chức này từ chối giúp đỡ ở thời điểm giao tranh với Azerbaijan tái bùng phát năm 2022. Không giống như chiến tranh Nagorno-Karabakh năm 2020, Azerbaijan đã tấn công trực tiếp vào lãnh thổ chủ quyền của Armenia.
Yerevan hẳn đã dự kiến rằng Nga sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kêu gọi các thành viên khác trong CSTO theo Điều 4, trong đó yêu cầu tất cả các thành viên phải hỗ trợ lẫn nhau khi bị tấn công. Tuy nhiên, rốt cuộc Nga đã không cứu viện Armenia" – Tờ Moscow Times viết.
Cũng kể từ thời điểm này, Yerevan bắt đầu định hướng lại chính sách đối ngoại của mình theo hướng tìm kiếm một đồng minh hùng mạnh mới, đó là Mỹ.
Tháng 9/2022, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tới thăm Armenia và trở thành quan chức cấp cao nhất của Washington tới thăm kể Yerevan kể từ khi nước này tách khỏi Liên Xô. Tới tháng 1/2023, Armenia từ chối tham gia huấn luyện quân sự với CSTO, trong khi 1 tuần trước đó vừa tiến hành tập trận chung với quân đội Mỹ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Pashinyan xác nhận Armenia sẽ gia nhập Tòa án hình sự quốc tế (ICC) – nơi ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin do liên quan tới xung đột Ukraine.
"Tới thời điểm này, rõ ràng là trong mắt Yerevan, Nga đã mất uy tín với tư cách người gìn giữ hòa bình khu vực" – Moscow Times viết.
Năm 2023, thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian lần nữa bị phá vỡ khi lực lượng Azerbaijan phát động "chiến dịch chống khủng bố", buộc phe ly khai thân Armenia tại Nagorno-Karabakh đầu hàng ngày 20/9/2023. Gần 2.000 lính gìn giữ hòa bình Nga không can thiệp.
Giới chuyên gia nhận định, đó là động thái thể hiện rõ ràng rằng Moscow không có ý định hoặc nguồn lực để duy trì thỏa thuận hòa bình năm 2020, trong bối cảnh Điện Kremlin đang vướng bận với chiến dịch tại Ukraine.
Thủ tướng Pashinyan ngày 2/2/2024 nhắc lại rằng, Nga đã khiến Armenia thất vọng sau khi không thể ngăn Azerbaijan phát động chiến dịch chớp nhoáng hồi tháng 9/2023.
Trong khi đó, Nga phản bác rằng thất bại của Thủ tướng Pashinyan trong việc quản lý các cuộc cạnh tranh phức tạp ở Nam Caucasus là nguyên nhân khiến các nhóm vũ trang Armenia ở Nagorno-Karabakh thất thế.
"Thất vọng nối tiếp thất vọng" – Giới phân tích cho rằng điều này đã đẩy Armenia tới bước "tức nước vỡ bờ", quyết định quay lưng với đồng minh truyền thông của mình.
"Nói một cách nhẹ nhàng, những kỳ vọng mà chúng tôi đặt ra với Nga và từ cả CSTO trong bối cảnh các hiệp định song phương đã không được đáp ứng. Còn nói một cách thẳng thắn, họ (Nga và CSTO) đã giáng một đòn quá nặng nề vào an ninh Armenia.
Giờ đây, có một điều rõ ràng đang diễn ra: Lần đầu tiên kể từ khi độc lập, Yerevan đã bắt đầu xem xét lại quan hệ với Moscow" – Chuyên gia khoa học-chính trị Armenia Gurgen Simonyan kết luận.