Chính phủ Na Uy vừa ra quyết định sẽ không tham gia vào lá chắn phòng thủ tên lửa của NATO, theo Sputnik.
Trước đó, tranh luận về việc Na Uy có thể tham gia vào mạng lưới phòng thủ tên lửa của liên minh quân sự này đã làm dấy lên lo ngại căng thẳng giữa Oslo và Moscow.
"Dựa trên các đánh giá về chính sách an ninh ở quy mô lớn, Chính phủ đã quyết định Na Uy sẽ không tiếp nhận các hệ thống cảm biến tầng trên hoặc tên lửa đánh chặn có thể trở thành một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của NATO", cơ quan ngân sách Na Uy cho biết.
Bình luận về động thái này trên kênh TV 2 của Na Uy, chuyên gia Nga từ Viện các vấn đề ngoại giao Na Uy (NUPI), bà Julie Wilhelmsen cho biết: "Tôi nghĩ rằng điều này sẽ ngăn chặn căng thẳng gia tăng".
Trước đó, một tài liệu quốc phòng bí mật của Na Uy từ năm 2017 đã mô tả về cái gọi là "mối đe dọa từ Nga" và chỉ ra lý do vì sao Na Uy nên tham gia lá chắn phòng thủ tên lửa của NATO.
Tài liệu này cũng liệt kê những thiếu sót trong mạng lưới phòng không của Na Uy, điều sẽ khiến cho khả năng tự vệ của nước này kém hơn.
Trong thập kỷ qua, các kế hoạch của NATO về xây dựng lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất giữa Nga và NATO.
Trong khi các quan chức NATO tuyên bố mạng lưới phòng thủ không nhằm vào Nga, phía Moscow cho rằng lá chắn này sẽ lật đổ sự cân bằng sức mạnh giữa các cường quốc hạt nhân, gây ra cuộc chạy đua vũ trang mới.
Na Uy ban đầu phản đối ý tưởng trở thành một phần trong kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ, nhưng đã thay đổi ý định và khá ủng hộ ý tưởng này từ năm 2010.