Con cua tuyết trong tay một ngư dân Na Uy. Ảnh: Reuters
Kênh CNN (Mỹ) đưa tin Tòa án Tối cao của Na Uy đang xét xử vụ kiện về việc liệu các tàu đánh cá Latvia có thể đánh bắt cua tuyết trong vùng nước rộng xung quanh quần đảo Svalbard nằm giữa Na Uy và Bắc Cực. Trong khi đó, cua tuyết là một loài cua nước lạnh và thịt của nó được ưa chuộng tại nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và Nhật Bản.
Theo Hiệp ước Svalbard năm 1920 – được ký kết bởi Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) – Na Uy có chủ quyền đối với quần đảo, nhưng các bên ký kết khác có quyền bình đẳng đối với các nguồn tài nguyên trong lãnh hải của Svalbard bao gồm cá, dầu và khí đốt. Câu hỏi trọng tâm của trường hợp này là các quyền này mở rộng ra biển bao xa.
Trong vụ kiện trước Tòa án Tối cao, công ty Latvia tuyên bố họ có quyền đánh bắt cua tuyết ở một vùng biển mở rộng xung quanh Svalbard theo giấy phép của EU, nhưng không được phép của Na Uy. Giáo sư Oystein Jensen tại Viện Fridtjof Nansen (Na Uy) cho biết: “Họ cho rằng bởi vì các ngư dân Na Uy có giấy phép nên họ cũng có quyền được cấp giấy phép”.
Mặt khác, Na Uy cho rằng các điều khoản của Hiệp ước Svalbard không áp dụng ngoài phạm vi 12 hải lý của quần đảo. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Na Uy Tuva Bogsnes nói: “Không có cơ sở pháp lý nào cho một tuyên bố”.
Cua sống dưới đáy biển, ít vận động và chúng được coi là một phần của đáy biển vì các mục đích pháp lý. Một số người tin rằng vụ việc có thể mở ra cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên khác dưới đáy biển như dầu, khí đốt và các khoáng sản khác.
Giáo sư địa chính trị tại Royal Holloway, Đại học London - ông Klaus Dodds phân tích với CNN: “Sự phân nhánh là đáng kể: cua tuyết hôm nay và dầu khí ngày mai". Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), Bắc Cực có thể sở hữu 13% nguồn tài nguyên dầu thông thường chưa được khám phá và 30% nguồn khí đốt chưa được khám phá của thế giới.
Khi biến đổi khí hậu khiến Bắc Cực nóng lên và băng tan, các nguồn tài nguyên có thể bắt đầu trở nên dễ tiếp cận hơn. “Biến đổi khí hậu khiến Bắc Cực trở nên hấp dẫn hơn để khai thác tài nguyên, bao gồm cả khu vực xung quanh Svalbard. Nó thúc đẩy sự quan tâm của tất cả các quốc gia trong khu vực”, ông Jensen phân tích. Tuy nhiên, ông Dodds cảnh báo rằng sự ấm lên nhanh chóng của khu vực cũng có thể khiến việc khai thác dầu khí trở nên khó lường và tốn kém hơn. Na Uy là một trong những nhà sản xuất dầu khí lớn nhất châu Âu.
Đảo Spitsbergen thuộc quần đảo Svalbard. Ảnh: AFP
Theo ông Jensen, nếu Tòa án Tối cao quyết định ủng hộ quyền đánh bắt cá của người Latvia không cần giấy phép của Na Uy, thì “điều đó có nghĩa là không phân biệt đối xử đối với tất cả các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trên thềm lục địa, bao gồm cả các hoạt động khoan dầu. Về cơ bản, đó là tất cả hoặc không có gì".
Rachel Tiller, nhà khoa học tại tổ chức nghiên cứu SINTEF Ocean nhận định “điều đó có nghĩa là ai cũng có thể khai thác bất kể dầu khí hay thứ gì tại những khu vực đó” nhưng nó sẽ không “miễn phí cho tất cả mọi người” bởi Na Uy vẫn sẽ quản lý khu vực.
“Bất kể phán quyết của Tòa án về vấn đề này như thế nào, chính phủ Na Uy sẽ quyết định có mở thêm các khu vực cho hoạt động dầu khí hay không”, người phát ngôn Tuva Bogsnes nói. Bà cho biết hiện tại không có kế hoạch mở khu vực này để khai thác
Quyết định của Tòa án Tối cao về vụ việc dự kiến được đưa ra sau hai đến ba tháng.