Myanmar: Nợ Trung Quốc giảm 26% dưới thời bà Suu Kyi

Bảo Hạnh |

Dữ liệu cho thấy dưới thời chính phủ Myanmar do Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi dẫn dắt, quan hệ kinh tế với Trung Quốc đã suy giảm và nợ Trung Quốc giảm 26%.

Dưới sự lãnh đạo của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, dư nợ của Myanmar với Trung Quốc đã giảm 26%. Ảnh: Nikkei

Dưới sự lãnh đạo của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, dư nợ của Myanmar với Trung Quốc đã giảm 26%. Ảnh: Nikkei

Tờ Nikkei Asia đưa tin dưới sự dẫn dắt của Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), kinh tế Myanmar đã mở rộng quan hệ với phương Tây. Kết quả là dư nợ với Trung Quốc giảm 26%. Ngoài ra, thương mại với các nước phương Tây tăng lên trong khi giao dịch với Trung Quốc giảm xuống.

Nếu Mỹ và châu Âu áp dụng lệnh trừng phạt sau cuộc đảo chính vừa qua, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào kinh tế Myanmar. Chính phủ quân sự hiện nay có thể một lần nữa hướng về Trung Quốc khi đất nước này đang mở rộng tầm ảnh hưởng qua sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Theo Refinitiv, kể từ năm 2013 đến nay, khoản tài trợ liên quan đến BRI cho Myanmar vào khoảng 21,7 tỉ USD.

Có thể dễ dàng nhận thấy sự ảnh hưởng kinh tế nặng nề của Trung Quốc ở Myanmar. Vì Yangon cấm xe máy nên xe buýt là phương tiện đi lại không thể thiếu và hầu hết những chiếc xe này được sản xuất tại Trung Quốc. Tuy thương mại với Nhật Bản, Mỹ và châu Âu ngày càng tăng, nhưng Trung Quốc vẫn là nhà xuất khẩu lẫn nhập khẩulớn nhất của Myanmar, chiếm hơn 30% kim ngạch thương mại của Myanmar.

Dù vậy, theo Ngân hàng Thế giới, dư nợ của Myanmar với Trung Quốc là 3,34 tỉ USD vào cuối năm 2019, giảm 26% so với cuối năm 2015, thời điểm ngay trước khi NLD lên cầm quyền. Ngoài ra, tỉ trọng nợ Trung Quốc trong tổng nợ nước ngoài của Myanmar đã giảm từ khoảng 45% vào năm 2015 xuống còn khoảng 30% vào năm 2019.

Myanmar: Nợ Trung Quốc giảm 26% dưới thời bà Suu Kyi - Ảnh 2.

Người dân Myanmar biểu tình phản đối đảo chính bên ngoài cơ quan của Liên Hiệp Quốc tại Bangkok - Thái Lan ngày 3-2. Ảnh: Reuters

Một ví dụ về sự thay đổi chính sách là việc chỉnh sửa dự án cảng biển nhìn ra Ấn Độ Dương ở Kyaukpyu. Theo kế hoạch ban đầu, cảng được kết nối với hai đường ống dài 870 km vận chuyển dầu và khí đốt tự nhiên đến tỉnh Vân Nam. Nếu các tàu lớn có thể vào cảng, dầu và khí đốt từ Trung Đông và châu Phi có thể được vận chuyển vào nội địa Trung Quốc mà không cần đi qua eo biển Malacca.

Ban đầu, quy mô của dự án này được lên kế hoạch là 7,2 tỉ USD nhưng đã giảm xuống còn 1,3 tỉ USD sau khi đạt được thỏa thuận cơ bản vào tháng 11-2018. Các chi tiết của dự án đã được thay đổi theo yêu cầu của Myanmar và đầu tư bổ sung sẽ được quyết định khi nhu cầu về cảng được công bố.

Nhưng nỗ lực của Myanmar để giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc không hề dễ dàng. Ví dụ, cuộc đàn áp người thiểu số Hồi giáo Rohingya, một cuộc khủng hoảng trầm trọng vào năm 2017, đã thu hút sự chỉ trích từ nước ngoài và các công ty phương Tây trở nên thận trọng khi đầu tư vào nước này.

Myanmar: Nợ Trung Quốc giảm 26% dưới thời bà Suu Kyi - Ảnh 4.

Bà San Suu Kyi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa Xã

Thêm vào đó, Mỹ và châu Âu đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự. Những rủi ro cao ở Myanmar chắc chắn sẽ khiến đầu tư nước ngoài bị đình trệ. Hôm 5-2, Kirin Holdings của Nhật Bản thông báo họ sẽ chấm dứt hai liên doanh bia tại Myanmar.

Trung Quốc dường như đang thực hiện chính sách "chờ và xem" đối với cuộc đảo chính Myanmar. Điều này có nghĩa là chính quyền quân sự có thể sẽ chịu rủi ro đầu tư không chỉ từ Mỹ và châu Âu mà còn từ Trung Quốc. Một nguồn tin của chính phủ Trung Quốc nói với tờ Nikkei: "Cách xử lý vấn đề Myanmar cũng sẽ phụ thuộc vào Mỹ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại