Myanmar đặt LHQ vào tình huống khó xử

Cao Lực |

Đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Kyaw Moe Tun tuyên bố ông vẫn là người đại diện hợp pháp của quốc gia Đông Nam Á tại cơ quan 193 thành viên này.

Ông Kyaw Moe Tun tuyên bố ông vẫn là đại sứ Myanmar tại LHQ. Ảnh: UNTV

Ông Kyaw Moe Tun tuyên bố ông vẫn là đại sứ Myanmar tại LHQ. Ảnh: UNTV

Sự việc bắt đầu xảy ra vào ngày 27-2, khi truyền hình nhà nước Myanmar tuyên bố ông Moe Tun đã bị sa thải vì "phản bội tổ quốc" thông qua việc hối thúc các nước sử dụng "mọi biện pháp cần thiết" để đảo ngược cuộc đảo chính hồi 1-2.

Tuy nhiên, trong những bức thư gửi Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Volkan Bozkir và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông Moe Tun khẳng định mình vẫn là đại sứ hợp pháp của Myanmar tại LHQ.

"Những kẻ đứng sau cuộc đảo chính phi pháp chống lại chính phủ dân chủ Myanmar không có thẩm quyền thách thức quyền hạn hợp pháp của tổng thống nước tôi" – ông Moe Tun nhấn mạnh.

Theo ông Moe Tun, Tổng thống Win Myint và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi bổ nhiệm ông vào năm ngoái và hiện tại, họ vẫn là những người được bầu cử hợp pháp cho vai trò của mình.

Trong khi đó, phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric cho biết văn phòng Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhận được thông báo vào ngày 2-3 rằng chính quyền quân sự Myanmar đã phế truất ông Moe Tun, đồng thời chỉ định cấp phó Tin Maung Naing của ông vào vị trí quyền đại sứ Myanmar tại LHQ.

"Chúng tôi đang đứng trước một tình huống đặc biệt, chưa xảy ra trong một thời gian dài. Chúng tôi đang xem xét mọi giao thức pháp lý và những quy định khác" – ông Dujarric cho biết.

Tuyên bố xung đột về vị trí đại sứ Myanmar tại LHQ nhiều khả năng được ủy ban chứng nhận LHQ xem xét, trước khi trình báo để Đại Hội đồng LHQ ra quyết định cuối cùng.

Sau cuộc gặp trực tuyến với ông Moe Tun vào ngày 2-3, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield đã ca ngợi ông về "tuyên bố dũng cảm và nhiệt huyết" trước Đại Hội đồng LHQ hồi cuối tháng trước, đồng thời tái thể hiện sự ủng hộ của Washington dành cho người dân và quá trình khôi phục chính phủ dân chủ được bầu chọn của Myanmar.

Myanmar đặt LHQ vào tình huống khó xử  - Ảnh 2.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield tuyên bố Washington vẫn công nhận ông Kyaw Moe Tun là người đại diện hợp pháp của Myanmar tại LHQ. Ảnh: Reuters

Các nhà lập pháp Myanmar bị phế truất trong cuộc đảo chính đã thành lập một ủy ban và ông Moe Tun khẳng định với Đại Hội đồng LHQ hôm 26-2 rằng ủy ban này đại diện cho "chính phủ được bầu chọn hợp pháp của Myanmar. Vì thế, họ phải được cộng đồng quốc tế công nhận".

Anh mới đây kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ họp vào ngày 5-3 để bản về tình hình Myanmar, giữa lúc xuất hiện các dấu hiệu cho thấy lực lượng an ninh nước này ngày càng bạo lực với đám đông biểu tình yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi.

Quân đội Myanmar hôm 2-3 tiếp tục sử dụng khí cay và đạn thật để trấn áp người biểu tình, khiến ít nhất 3 người bị thương nghiêm trọng. Truyền thông nhà nước Myanmar mới đây cho biết giới chức nước này đã trả tự do cho 511 người bị bắt giữ.

Myanmar đặt LHQ vào tình huống khó xử  - Ảnh 3.

Lực lượng an ninh được triển khai để đối phó với người biểu tình tại TP Yangon - Myanmar, hôm 2-3. Ảnh: Reuters

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại