Cả khách du lịch tạm thời và những người hướng đến cư trú vĩnh viễn đều được yêu cầu điền vào các biểu mẫu mới, bao gồm các danh sách liệt kê các nền tảng phương tiện truyền thông xã hội mà họ sử dụng. Người nộp đơn cũng có thể tuyên bố họ không sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, nhưng một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với The Hill rằng nói dối sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Theo RT, sau khi cung cấp lịch sử 5 năm tài khoản truyền thông xã hội, người nộp đơn phải cung cấp 5 năm số điện thoại, địa chỉ email và lịch sử du lịch. Họ cũng được hỏi liệu các thành viên trong gia đình có tham gia vào "các hoạt động khủng bố" hay không.
"Đây là một công cụ quan trọng để sàng lọc những kẻ khủng bố, các mối đe dọa an toàn cộng đồng và các cá nhân nguy hiểm khác", vị quan chức cho biết, giải thích rằng các tài khoản sẽ được đưa vào quá trình kiểm tra lý lịch đầy đủ, đối chiếu với danh sách theo dõi khủng bố và các đơn xin thị thực cần có lịch sử đi lại chi tiết.
Tổ chức Liên minh Tự do Dân sự Mỹ phản đối chính sách, cho rằng điều đó không công bằng với khách du lịch khi các quan chức chính phủ có thể dễ dàng hiểu sai những cuộc trò chuyện trên mạng. Bên cạnh đó, họ cho rằng có nguy cơ việc kiểm tra phương tiện truyền thông xã hội sẽ nhắm đến một cách không công bằng với người nhập cư và khách du lịch từ các nước có đa số dân theo Hồi giáo.
Một số người xin visa ngoại giao và công vụ (official visa) sẽ được miễn các biện pháp mới nghiêm ngặt. Trước đây, chỉ những cần kiểm tra thêm - chẳng hạn như những người từng đến các khu vực trên thế giới do các nhóm khủng bố kiểm soát - mới cần phải cung cấp dữ liệu này.