Sau khi Mỹ phê chuẩn phương án bán máy bay chiến đấu F-16V cho Đài Loan, Trung Quốc đã cảnh báo Washington phải lập tức hủy bỏ thương vụ này, "nếu không mọi hậu quả sẽ đến".
Khắc tinh bên kia bờ eo biển
Sau khi được Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn, phương án nêu trên chỉ chờ Quốc hội Mỹ thông qua.
Dự kiến, vấn đề chỉ mang tính thủ tục và thương vụ mua bán vũ khí trị giá 8 tỷ USD sẽ mang về cho Đài Loan (Trung Quốc) 66 chiếc F-16V. Đây là phiên bản cải tiến của chiến đấu cơ F-16, được trang bị một số công nghệ dành cho máy bay chiến đấu thế hệ 5 như F-22, F-35. Theo giới thiệu của hãng chế tạo Lockheed Martin, F-16V có thể dùng tới năm 2070, thậm chí còn lâu hơn.
Như vậy, sau 27 năm, không quân Đài Loan lần đầu tiên chuẩn bị có thêm máy bay chiến đấu mới. Thương vụ mua máy bay chiến đấu gần nhất của Đài Loan diễn ra năm 1992 dưới thời Tổng thống Bush cha với việc Mỹ bán 150 chiếc F-16 cho Đài Loan, bao gồm 120 chiếc F-16A và 30 chiếc F-16B với tổng giá trị hợp đồng là 6 tỷ USD.
Sau đó, theo báo Liên hợp, cùng với sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc, không có quốc gia nào bán máy bay chiến đấu cho Đài Loan nữa.
Mặc dù từ năm 2003, Đài Loan liên tục nỗ lực tìm cách mua máy bay chiến đấu hiện đại hơn từ phía Mỹ, nhưng lợi ích kinh tế thương mại và nhu cầu hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế đã trở thành nhân tố mà Washington cần phải cân nhắc.
Năm 2011, chính quyền Barack Obama thực hiện giải pháp thỏa hiệp, không bán máy bay chiến đấu mới cho Đài Loan, nhưng phê chuẩn phương án nâng cấp 144 chiếc F-16A/B đang phục vụ trong không quân Đài Loan (hiện nay còn 142 chiếc).
Chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan. Ảnh: VOA
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tài nguyên và ngành nghề thuộc Viện Nghiên cứu An ninh quốc phòng Đài Loan Tô Tử Vân cho biết F-16V được trang bị ra-đa mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) APG-83 có thể đồng thời sục sạo, bám đuổi và xác định nhiều mục tiêu. Đây là dòng ra-đa thế hệ mới, giống 85% so với ra-đa trang bị cho máy bay chiến đấu thế hệ năm F-35.
Điểm mạnh chính của loại ra-đa này là khả năng nhảy tần số phát nhanh làm đối phương không thể phát hiện ra nguồn phát, giúp máy bay trang bị ra-đa AESA có nhiều lợi thế đáng kể. Bên cạnh đó, ra-đa AESA còn có khả năng quét tìm, phân tích các mục tiêu đối không, đối đất cao, giúp phi công nâng cao khả năng nhận biết mục tiêu, đề ra kế hoạch tác chiến hợp lý.
Về trang bị vũ khí, F-16V có động cơ phản lực mạnh, nên ngoài khả năng cơ động nhanh, còn có thể mang nhiều loại vũ khí áp chế mặt đất, bao gồm hệ thống tìm diệt ra-đa và trận địa tên lửa của đối phương.
Ngoài ra, F-16V còn có thể mang tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm trung, đối phó hữu hiệu với nguy cơ đến từ các loại máy bay chiến đấu hiện đại thế hệ 4 mà Trung Quốc đại lục đang sở hữu, gồm Su-35 và J-10.
Trung Quốc lực bất tòng tâm khi vạch đỏ bị vượt qua?
Một ngày sau khi ông Trump loan báo đã phê chuẩn phương án bán máy bay chiến đấu F-16V, vào hôm 19/8, hàng loạt cơ quan chức năng của Đài Loan đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của Mỹ, đồng thời cảm ơn ông Trump vì đã thông qua thương vụ này bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc đại lục.
Theo người phát ngôn đối ngoại Đài Loan Âu Giang An, thương vụ mua bán máy bay chiến đấu F-16V này có ý nghĩa dấu mốc rất quan trọng, phản ánh đầy đủ mối quan hệ đối tác an ninh chặt chẽ giữa Mỹ và Đài Loan, cho thấy Mỹ đã tuân thủ đúng Luật Quan hệ với Đài Loan cũng như thực hiện "6 cam kết đảm bảo an ninh cho Đài Loan" bằng hành động cụ thể, đặc biệt là vào dịp kỉ niệm 40 năm ra đời Luật Quan hệ với Đài Loan.
Trong khi đó, thông báo của văn phòng nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nêu rõ "những máy bay chiến đấu mới này sẽ tăng cường đáng kể những khả năng phòng không của Đài Loan".
Ở chiều ngược lại, tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 19/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh Trung Quốc bán vũ khí cho Đài Loan vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "một Trung Quốc" và 3 thông cáo chung Trung Quốc - Mỹ, can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc, tổn hại tới chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh: Andy Wong/AP
Phía Trung Quốc kiên quyết phản đối, hối thúc Mỹ nhận thức rõ tính chất nguy hại nghiêm trọng của vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan và yêu cầu Mỹ lập thức hủy bỏ chương trình bán vũ khí liên quan, chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan cũng như chấm dứt các mối quan hệ quân sự với Đài Loan, nếu không phía Mỹ phải chịu mọi hậu quả.
Người phát ngôn Văn phòng Sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc Mã Hiểu Quang cũng cảnh báo phía Mỹ cần phải chấm dứt việc phát đi tín hiệu sai lầm nghiêm trọng cho thế thực ly khai chủ trương Đài Loan độc lập.
"Bất cứ thế lực nào đều không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ", ông Mã nhấn mạnh.
Bán vũ khí cho Đài Loan luôn được Bắc Kinh coi là "giới hạn đỏ". Chính vì e ngại bước qua "giới hạn đỏ" này mà các chính quyền Mỹ trước đây, bao gồm George Bush con và Barack Obama đều không đáp ứng yêu cầu mua máy bay chiến đấu F-16 mới của Đài Loan.
Tuy nhiên, theo tạp chí Chính sách Ngoại giao, đối với chính quyền Donald Trump, cái mà họ lo lắng hơn là Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan bất cứ lúc nào, cho nên, e ngại làm Bắc Kinh tức giận không phải là cân nhắc đầu tiên.
Ngày 8/7/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt hợp đồng bán cho Đài Loan 108 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2T Abrams, 250 tên lửa phòng không vác vai Stinger và khí tài đi kèm có tổng trị giá 2,2 tỷ USD.
Hơn 1 tháng sau, Mỹ lại vượt qua "giới hạn đỏ" với lô máy bay chiến đấu F-16V. Mỹ đương nhiên biết Trung Quốc sẽ phản ứng quyết liệt, nhưng theo nhà phân tích quân sự Richard Aboulafia, cứng rắn hơn với Trung Quốc giờ đây dường như đã trở thành nhận thức chung của cả đảng Cộng hòa cầm quyền lẫn đảng Dân chủ đối lập.
Cho nên mới có chuyện mấy tuần qua, nhiều nghị sỹ hai đảng đã chỉ trích chính quyền Donald Trump chậm trễ phê chuẩn phương án bán F-16V cho Đài Loan. Và vì thế, sau khi được ông Trump "gật đầu", dự kiến, thương vụ tỷ đô này có thể được Quốc hội Mỹ thông qua dễ dàng.
Trở lại với phản ứng của Trung Quốc, Giáo sư trợ lý Diệp Diệu Nguyên thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế của Đại học St. Thomas ở Texas (Mỹ) cho rằng trong quan hệ quốc tế, biện pháp trả đũa phổ biến nhất là trừng phạt kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc không có nhiều khả năng để trừng phạt kinh tế Mỹ, bởi Trung Quốc vẫn cần dựa vào Mỹ để phát triển kinh tế. Hơn nữa, đa số doanh nghiệp tham dự vào chương trình bán vũ khí cho Đài Loan không có quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Cho nên, phản ứng của Trung Quốc một mặt nhằm biểu lộ sự bất mãn với việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, mặt khác muốn nói với người dân trong nước rằng "chính phủ đã kịch kiệt phản đối việc Đài Loan tăng cường mua sắm vũ khí gây ra xung đột và phá hoại hòa bình giữa hai bờ eo biển".
Nhiều chuyên gia cho rằng tuy hiện nay Trung Quốc gần như không có biện pháp trả đũa Mỹ, nhưng có thể hướng mũi nhọn vào Đài Loan. Vấn đề ở chỗ cùng với các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ rầm rộ ở Hồng Kông, các biện pháp trừng phạt Đài Loan có thể làm gia tăng tinh thần rời xa Trung Quốc ở hòn đảo này.
Ngày 27/3/2019, Quỹ New Constitution ở Đài Loan công bố kết quả điều tra dân ý mới nhất cho thấy quá nửa số người được hỏi cho rằng Đài Loan và Trung Quốc đại lục trong tình trạng đối địch và hơn 80% trả lời mình là người Đài Loan chứ không phải người Trung Quốc. Còn tại Hồng Kông, sau khi xảy ra biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, kết quả điều tra dân ý của Đại học Hồng Kông cho thấy tỉ lệ thừa nhận mình là người Hồng Kông tăng lên mức cao kỉ lục kể từ năm 1997 còn tỉ lệ thừa nhận mình là người Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỉ lục trong 22 năm.