Thỏa thuận đào tạo an ninh được kí kết ngày 7/8 vào cuối cuộc họp khai mạc hội nghị Ủy ban tham vấn quân sự chung Nga-Pakistan (JMCC), một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Pakistan cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Zamir ul Hassan Shah và Thứ trưởng Quốc phòng Nga - Đại tá Alexander Fomin, đã dẫn đầu đoàn đại biểu song phương tại cuộc hội đàm ở Rawalpindi.
"Hai bên cũng đã tổ chức các cuộc thảo luận chuyên sâu về các con đường hợp tác trong tương lai. Cuối cùng, cả hai nước đã ký kết Thỏa thuận đón nhận lực lượng Pakistan tới các Viện Đào tạo của Liên bang Nga", Bộ Quốc phòng Pakistan tuyên bố.
Quan hệ đối tác an ninh Islamabad-Moscow đã được tăng cường và mở rộng kể từ cuối năm 2014, khi hai đối thủ cũ ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng.
Nga đã bán bốn máy bay trực thăng chiến đấu Mi-35M cho Pakistan theo thỏa thuận này, và cả hai quốc gia đã tổ chức hai đợt tập trận quân sự chống khủng bố trên lãnh thổ của nhau.
Hải quân song phương gần đây cũng tham gia vào các cuộc tập trận chống ma túy tại biển Ả Rập. Sự hợp tác hải quân mới nhất diễn ra vào tuần trước tại St. Petersburg, khi một tàu chiến Pakistan tham gia vào cuộc diễu hành kỉ niệm Ngày Hải quân Nga.
Đại sứ Nga tại Pakistan Alexey Dedov cho biết, "sự hợp tác này (quân sự-pv) đang phát triển theo nhiều hướng."
Sóng gió quan hệ Mỹ - Pakistan
Quan hệ giữa Pakistan và Hoa Kỳ, trong khi đó, đã xấu đi kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Trong chiến lược Nam Á, ông Trump đã chỉ trích Islamabad vì không ngăn chặn những kẻ khủng bố và chưa nỗ lực giải quyết các cuộc tấn công khủng bố diễn ra ở nước láng giềng Afghanistan.
Ông Trump đã dừng tất cả các hỗ trợ quân sự cho Pakistan vào tháng 1 cho đến khi nước này thể hiện hành động mang tính quyết định chống lại lực lượng khủng bố trên lãnh thổ nước này.
Các nhà lãnh đạo Pakistan đã bác bỏ cáo buộc “dung dưỡng” chủ nghĩa khủng bố và nhiều cáo buộc khác, nói rằng sự phát triển của lực lượng này bắt nguồn từ những thất bại về an ninh của Hoa Kỳ tại Afghanistan. Pakistan cũng nói rằng việc tạm dừng hợp tác ngoại giao quân sự nhiều thập niên sẽ gây ra những hiểu lầm giữa hai nước.
Baqir Sajjad, một nhà phân tích quốc phòng tại Islamabad cho biết: “Đào tạo tại các viện quân sự Nga sẽ mang lại một sự thay đổi lớn trong quan điểm của thế giới về các sĩ quan quân đội hàng đầu [Pakistan]. "Cho đến bây giờ, các thành viên sáng giá nhất cho vị trí lãnh đạo quân đội Pakistan đều đã được đào tạo tại Hoa Kỳ".
Thủ tướng Pakistan Imran Khan mới đắc cử tuyên bố ngày 8/8 rằng chính phủ của ông sẽ làm việc để cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ.
"Pakistan và Hoa Kỳ đã chứng kiến nhiều thăng trầm, đó là kết quả của sự thiếu hụt niềm tin giữa hai nước", ông Khan nói với đại sứ Mỹ tại Islamabad John Hoover.
Theo một tuyên bố chính thức được ban hành sau cuộc gặp, ông Khan nói rằng chính phủ của ông sẽ tiếp tục gắn kết với Hoa Kỳ để đưa mối quan hệ này trở nên cân bằng hơn và đáng tin cậy hơn. Ông Khan kêu gọi Hoa Kỳ và toàn khu vực hợp tác hướng đến một giải pháp chính trị cho Afghanistan.
Hợp lực chống khủng bố
Trong khi các nhà lãnh đạo Mỹ hoài nghi và phê phán các nỗ lực chống khủng bố của Pakistan, các nhà lãnh đạo Nga lại lên tiếng hoan nghênh Islamabad vì đã loại bỏ chủ nghĩa khủng bố khỏi đất Pakistan.
"Nước này [Pakistan] là một bên rất, rất quan trọng, không chỉ về sự ổn định của khu vực, sự ổn định trên toàn thế giới mà đây còn là đối tác rất có giá trị của chúng ta trong việc giải quyết những thách thức và mối đe dọa như khủng bố, buôn bán ma túy bất hợp pháp. Hai đất nước của chúng ta đối mặt với những thách thức và mối đe dọa tương tự về an ninh quốc gia", đại sứ Nga Dedov nói, trong khi phát biểu tại một hội thảo ở Islamabad.
Nga đã quyết định, ông nói, mang tới "hỗ trợ thiết thực" nhằm tăng cường nỗ lực chống khủng bố của Pakistan.
Cả Nga và Pakistan đều bày tỏ lo ngại về sự nổi lên của nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Afghanistan, được gọi là ISK-P.
Cựu tướng lĩnh quân đội Pakistan Yasin Malik nói rằng, vấn đề Afghanistan vẫn là trung tâm trong sự hợp tác ngày càng tăng với Nga.
"Đây là một mẫu số chung cho cả hai chúng tôi. Và sự hiện diện của IS là một mối đe dọa cho cả Liên bang Nga và Pakistan. Đang có những nỗ lực rất nghiêm túc để cùng nhau phán ứng trước thách thức của IS ở Afghanistan. Tôi nghĩ điều này sẽ là một chỉ báo xác định sự hợp tác trong an ninh và quân sự giữa Nga và Pakistan," Malik lưu ý.