Mỹ hứa hẹn sẽ có "mô hình Trump" nếu Triều Tiên chịu từ bỏ hạt nhân

Hoàng Linh (từ Seoul, Hàn Quốc) |

Một bài học quan trọng rút ra từ mô hình Libya mà chính quyền Trump muốn đưa vào mô hình mới đối với Triều Tiên: đó là sự kiểm chứng nhanh chóng quá trình phi hạt nhân hóa.

"Mô hình Tổng thống Trump"

Trước việc Triều Tiên bác bỏ mô hình phi hạt nhân hóa kiểu như đối với Libya, Mỹ đã đưa ra một sự lựa chọn thay thế, đó là "mô hình Trump", trong bối cảnh xuất hiện những mối lo ngại sau lời đe dọa của Triều Tiên không tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ nữa.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders ngày 16/5 đã đề cập tới "mô hình Trump" trong khi đáp lại những tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-Gwan, người đã bày tỏ sự "phản kháng" khi mô hình phi hạt nhân hóa Libya được đưa ra làm hình mẫu cho phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Theo các nhà phân tích, việc đưa ra ý tưởng này dường như vẫn là một toan tính nhằm làm giảm nhẹ những tuyên bố của Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton, chứ không phải là một chính sách phi hạt nhân hóa đặc biệt, song việc đưa ra cái gọi là "mô hình Trump" có thể báo hiệu sự chuyển hướng giọng điệu của Mỹ trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Triều Tiên.

Kim Yeol-su, trưởng nhóm chiến lược an ninh của Viện Nghiên cứu các Vấn đề Quân sự của Hàn Quốc, bình luận: "Việc đưa ra mô hình của Trump giống như một biện pháp sơ cứu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Bị phía Triều Tiên phản ứng mạnh, chính quyền Trump đã làm một điều gì đó để các cuộc đàm phán không bị ảnh hưởng".

Nhà phân tích này nói thêm: "Chúng ta đã thấy nhiều mô hình phi hạt nhân hóa gần đây – mô hình Libya, mô hình Ukraine, mô hình Iraq…. Tất cả những mô hình đó đều được đặt tên sau khi mục tiêu khi hạt nhân hóa được hoàn thành. Cái tên thể hiện kết quả, chứ không phải quá trình".

Khi nhắc tới ý tưởng mô hình của ông Trump, Thư ký Báo chí Sanders đã nói rằng sẽ không có "mô hình cắt bánh" nào được đưa ra trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Triều Tiên.

Những lời tuyên bố của bà Sanders được đưa ra sau khi Triều Tiên thể hiện sự giận dữ trước những tuyên bố của Mỹ về mục tiêu của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, đặc biệt là những phát ngôn của ông Bolton, người đã nêu mô hình Libya như một mô hình lý tưởng đối với Triều Tiên.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News của Mỹ hồi cuối tháng trước, Bolton đã nói các cuộc đàm phán với Triều Tiên sẽ giống như với Libya, nước đã chấp nhận "mở tung" toàn bộ chương trình hạt nhân của mình và đưa nó ra khỏi Libya.

Mỹ thay đổi lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên?

Dựa trên cơ sở những sự phức tạp trong quá trình phi hạt nhân hóa và những sự khác biệt giữa Triều Tiên và những nước tìm kiếm vũ khí hạt nhân khác, các nhà phân tích đã rút ra nhận định rằng việc Mỹ đề cập tới "mô hình Trump" thể hiện mong muốn hoàn tất mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên nhanh nhất có thể của Washington.

Triều Tiên được cho là có tới 60 đầu đạn hạt nhân và đã có những bước tiến lớn trong công nghệ hạt nhân cho phép Bình Nhưỡng có thể bắn tới phần lãnh thổ nằm trong lục địa của Mỹ. Trong khi đó, mặc dù Libya có chương trình vũ khí hạt nhân, song nước này chưa phát triển được một quả bom hạt nhân hoàn thiện khi chấp nhận ngừng chương trình này.

Ko Myung-hyun, một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách Asan, nói: "Mọi người ở Washington hiểu mô hình Libya có thể không phù hợp với Triều Tiên. Đơn giản là họ ở trong một tình thế khác".

Tuy nhiên, có một bài học quan trọng rút ra từ mô hình Libya mà chính quyền Trump muốn đưa vào mô hình mới đối với Triều Tiên: đó là sự kiểm chứng nhanh chóng quá trình phi hạt nhân hóa.

Tháng 12/2003, Tổng thống Libya khi đó là ông Muammar Gaddafi đã tuyên bố rằng nước này sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân của mình và chào đón các thanh sát viên quốc tế tới kiểm chứng việc Tripoli có thực hiện cam kết của mình hay không.

Sau tuyên bố của ông Gaddafi, các thanh sát viên từ nhiều quốc gia đã tới kiểm chứng quá trình xử lý các vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học của Libya. Quá trình này chỉ mất khoảng 2 năm và sau đó các nguyên liệu hạt nhân đã được chở tới Mỹ.

Ông Ko nhận định: "Chính quyền Trump muốn đưa ra một khung thời gian cho việc đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa, đặt ra cột mốc trong mỗi giai đoạn và đền bù tương ứng cho phía Triều Tiên".

Theo các nhà phân tích, ý tưởng về "mô hình Trump" có thể báo hiệu một sự thay đổi so với lập trường cứng rắn ở Washington rằng sẽ không có sự đền bù nào cho tới khi Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

Chuyên gia Kim Yeol-su cho biết: "Có thể có một số sự nhượng bộ trong quá trình đàm phán với Triều Tiên, đặc biệt liên quan tới sự đền bù cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn nước này và các phương thức để đạt được mục tiêu này".

Trong số đó có thể có một sự "đảm bảo an ninh" cho Triều Tiên để đổi lấy quá trình phi hạt nhân hóa, như điều chỉnh việc triển khai các vũ khí chiến lược tới bán đảo Triều Tiên, bao gồm các máy bay ném bom nguyên tử và hàng không mẫu hạm.

Nó cũng có thể báo hiệu rằng chính quyền ông Trump có thể thể hiện sự linh hoạt hơn trước lời kêu gọi của Triều Tiên muốn phía Mỹ có các bước đi "đồng thời" thỏa mãn nhu cầu được đảm bảo an ninh của Triều Tiên để đổi lấy bất kỳ động thái nào "theo giai đoạn" hướng tới việc phi hạt nhân hóa nước này.

Ông Shin Beom-chul từ Viện Nghiên cứu Chính sách Asan nhận định: "Mô hình của ông Trump sẽ giống như một phiên bản ‘mềm mỏng hơn’ so với mô hình Libya. Phiên bản này bao gồm các sự nhượng bộ tùy thuộc vào tiến trình đàm phán"./.

Triều Tiên đe dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại