Hôm 26/3 Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa lãnh sự quán Nga tại Seattle, Washington để "tỏ sự đồng thuận với các đồng minh NATO" trong vụ cáo buộc Nga đầu độc một điệp viên hai mang ở Anh.
Điện Kremlin ngay lập tức tuyên bố là Nga sẽ có những biện pháp đáp trả tương ứng, "với tất cả các quốc gia cũng áp dụng biện pháp trục xuất các nhà ngoại giao Nga".
Đầu tháng 7/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin đã có cuộc gặp mặt tại Hamburg và ba tuần sau đó, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một đạo luật về thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Moskva đã phản ứng rất nhanh. Trong khi đang chờ Trump ký luật này, Kremlin đã ra tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ. Và nó không đơn thuần là tuyên bố về con số cụ thể (755 người), mà là giảm số người Mỹ làm việc trong các cơ quan ngoại giao ở Nga xuống con số 455 người (tức là bằng số nhân viên ngoại giao Nga đang làm việc ở Mỹ).
Nếu tính đến con số khoảng 1.300 nhân viên ngoại giao Mỹ làm việc ở Nga, quy mô của quyết định giảm số lượng này là chưa từng có. Mặc dù đa số các trường hợp cắt giảm không phải là nhà ngoại giao, mà là các nhân viên kỹ thuật, nhưng biện pháp này rõ ràng là một đòn rất mạnh giáng vào Đại sứ quán Mỹ tại Nga.
Đáp trả lại, Mỹ đóng cửa lãnh sự quán của Nga tại San Francisco, nhưng không tiến hành trục xuất một ai.
Ngày 5/9, sau khi những nhân viên sứ quán Mỹ buộc phải rời Nga, ông Vladimir Putin nhắc lại rằng "chiếc thẻ bài" vẫn còn nằm trong tay của Moskva. Cụ thể hơn, ông nói về các biện pháp mà Nga có thể thực hiện trong trường hợp Mỹ tiếp tục trục xuất các nhà ngoại giao Nga:
"Chúng tôi đã thỏa thuận với các đối tác của chúng tôi, rằng số lượng nhân viên, nhà ngoại giao ở Nga và ở Mỹ nên bằng nhau. Tại Nga, theo tôi, có khoảng 1.300 các nhà ngoại giao Mỹ, (còn ở Mỹ) chúng ta có 455 người. Chúng tôi sẽ cân bằng con số này - 455 người."
"Tôi muốn lưu ý là, trong số 455 nhân viên ngoại giao Nga hoạt động tại Mỹ, chúng tôi đã tính cả 155 nhân viên làm việc tại LHQ. Nghiêm túc mà nói, họ không phải là nhà ngoại giao hoạt động tại Mỹ, mà là những nhà ngoại giao làm việc trong một tổ chức quốc tế."
"Khi Mỹ đấu tranh cho việc trụ sở LHQ đặt tại New York là họ đã gánh trọng trách đảm bảo cho sự hoạt động của tổ chức này. Vì vậy, về con số chính xác, không phải là 455 nhà ngoại giao Mỹ ở Moskva, mà là trừ đi 155."
"Chúng tôi giữ quyền quyết định về số lượng các nhà ngoại giao Mỹ ở Moskva. Nhưng hiện thời chúng tôi chúng tôi chưa làm điều này, mà để xem tình hình tiếp theo sẽ phát triển như thế nào."
Tất nhiên ở Washington người ta vẫn nhớ đến điều này khi ngày 26/3/2018 quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga vì "vụ đầu độc Skripal".
Và bây giờ thì người ta cùng "nín thở" chờ, không chỉ đơn giản là đòn đáp trả của Moskva, mà là những bước tiếp theo mà Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo vào mùa thu năm ngoái.