Nga và Mỹ đang có những động thái khiến NATO không khỏi lo ngại giữa lúc quan hệ hai nước này còn căng thẳng. Theo truyền thông Mỹ hôm 5-6, Tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch giảm số lượng binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức.
Đài CNN dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết hiện chưa rõ con số cắt giảm chính xác nhưng kế hoạch đang xem xét con số 9.500 binh sĩ. Mệnh lệnh chính thức dự kiến sẽ sớm được đưa ra.
Hiện có khoảng 34.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức. Theo một quan chức khác, 9.500 binh sĩ sau khi rời khỏi Đức sẽ được điều đi nơi khác - một số đến Ba Lan, một số tới các nước đồng minh và một số sẽ trở về Mỹ.
Giới chức Mỹ cho biết bước đi trên không liên quan đến căng thẳng giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel, người từ chối lời mời đến Washington dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) mà ông chủ Nhà Trắng muốn tổ chức trong tháng này.
Dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ lâu nay chỉ trích Đức vì nhiều vấn đề, trong đó có việc Berlin không đáp ứng mục tiêu chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng như khuyến nghị của NATO.
Ngay cả khi Washington khẳng định đã chuẩn bị cho kế hoạch này từ lâu, một số quan chức Mỹ và NATO nhận định quy mô và thời điểm tiến hành kế hoạch nói trên gây không ít bất ngờ.
Lực lượng Mỹ đóng tại Đức từ cuối Thế chiến II và các căn cứ Mỹ tại đó được đánh giá là có tầm quan trọng về chiến lược. Thậm chí, có thông tin nói Washington còn triển khai đầu đạn hạt nhân ở Đức.
Trong trường hợp toàn bộ số binh sĩ được rút khỏi Đức không còn ở châu Âu, diễn biến này có thể là đòn mạnh giáng vào sự đoàn kết trong nội bộ NATO do nhiều thành viên tiếp tục bày tỏ lo ngại về cái gọi là "mối đe dọa" của Nga.
Không gì lạ khi chuyên gia Andrew Weiss thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ) nhận định với Reuters rằng động thái này là "món quà lớn" cho Nga.
Trong ngày thông tin về kế hoạch trên được tiết lộ, quân đội Nga thông báo triển khai thêm binh sĩ và vũ khí đến khu vực phía Tây nhằm gây sức ép lên các lực lượng NATO do Mỹ đứng đầu đang tăng cường hoạt động gần đó.
Bước đi này diễn ra vài ngày sau khi tướng Sergei Rudskoi của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên bang Nga chỉ trích những hoạt động "chống Nga" do lực lượng Mỹ và các đồng minh NATO tiến hành gần biên giới nước này.
Theo trang Newsweek, đại dịch Covid-19 khiến các kế hoạch triển khai quân của Mỹ tại châu Âu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Washington vẫn tăng cường hiện diện quân sự thông qua các hoạt động khác, như diễn tập trên không với Thụy Điển và Na Uy ở Bắc Âu và tại Ukraine.
Ngoài ra, 3 tàu hải quân Mỹ còn tiến vào biển Barents ở Bắc Cực lần đầu tiên trong 3 thập kỷ và tiến hành tập trận phòng thủ tên lửa cùng với tàu chiến Anh.
Không dừng lại ở đó, NATO còn sắp tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ở ngoài khơi bờ biển Nga với sự tham gia của lực lượng hải quân 19 nước.
Cuộc tập trận thường niên mang tên Các chiến dịch Baltic (BALTOPS) này diễn ra từ ngày 7 đến 16-6, có sự tham gia của 29 đơn vị hàng hải, 29 máy bay cùng 3.000 binh sĩ đến từ 17 quốc gia thành viên NATO và 2 quốc gia đối tác. Theo giới chức NATO, nội dung tập trận là phòng không, săn ngầm, kiểm soát hàng hải và chống thủy lôi.