Theo thông tin được tờ Liberty Times đăng tải vào hôm nay (18/3), tổng giá trị mua bán 250 tên lửa Stinger giữa Mỹ và Đài Loan là 442 triệu USD. Dự kiến Mỹ sẽ chuyển cho Đài Loan số tên lửa trên vào cuối tháng 3/2026.
Ban đầu, hải quân Đài Loan muốn trang bị toàn bộ số tên lửa mới trên các chiến hạm và đặt tại căn cứ của lực lượng thủy quân lục chiến. Nhưng sau đó, quân đội Đài Loan đã lên tiếng yêu cầu hiện đại hóa kho tên lửa Stinger sẵn có.
Hồi năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ đã sẵn sàng bán các tên lửa đất đối không vác vai Stinger cho Đài Loan. Tới ngày hôm qua (17/3), quân đội Đài Loan đã thống nhất chi trả một phần trong thỏa thuận mua tên lửa Stinger của Mỹ tương đương 215 triệu USD.
Theo quân đội Đài Loan, tên lửa FIM-92F Stinger là vũ khí hiệu quả để ngăn chặn các lực lượng quân sự Trung Quốc bởi nó sẽ giúp cải thiện năng lực phòng không tầm ngắn và tăng tổn thất cho phía không quân đối phương.
Ngoài các tên lửa Stinger, Mỹ sẽ chuyển giao cả 108 hệ thống phóng cùng 108 hệ thống radar “nhận diện địch và ta” (IFF) cho phía Đài Loan.
Lâu nay, Trung Quốc chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẵn sàng dùng vũ lực để sáp nhập vào lãnh thổ đại lục.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh – Đài Bắc lên đỉnh điểm kể từ khi Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2016 và đưa bà Thái Anh Văn trở thành nhà lãnh đạo của Đài Loan.
Việc DPP giành quyền lãnh đạo Đài Loan khiến mọi hy vọng của chính phủ Trung Quốc trong việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế giữa hai bên để đổi lại người dân Đài Loan ngày càng ủng hộ nỗ lực thống nhất chính trị, tiêu tan thành mây khói.
Để gia tăng thêm sức ép ngăn cản các lực lượng ủng hộ dân chủ ở Đài Loan, Trung Quốc đã tái triển khai chiến dịch cô lập ngoại giao bằng cách thuyết phục một số nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan từ bỏ quan hệ với hòn đảo này.
Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc cũng tăng cường tiến hành tập trận bên trong và xung quanh eo biển Đài Loan.