“Chúng tôi sẽ sớm hội kiến để tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc và đưa quan hệ giữa hai bên lên tầm cao mới”, bà D. James phát biểu với hãng tin PTI trước thềm chuyến thăm Ấn Độ.
Theo lời bà D. James, chuyến thăm Ấn Độ lần này được thực hiện theo chương trình hoạt động quốc phòng Mỹ-Ấn đã được thông qua trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 4 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.
Ngoài ra, chuyến thăm cũng là bước đi cần thiết theo đề nghị của hãng chế tạo Lockheed Martin về việc tìm kiếm địa điểm đặt cơ sở sản xuất dòng máy bay F-16 quy mô tại Ấn Độ.
“Tôi đã từng tham khảo về quan điểm của Thủ tướng Ấn Độ liên quan tới vấn đề quan trọng này. Vấn đề quan trọng nhất đã được giải quyết là máy bay F-16 sẽ được lắp ráp nội địa theo khuôn khổ chương trình 'Make in India'. Vấn đề còn lại chỉ là những bước đi về thủ tục pháp lý để hiện thực chúng”, bà D. James nói.
Hãng chế tạo Mỹ Lockheed Martin đã nhiều lần bày tỏ mong muốn chuyển cơ sở chuyên sản xuất máy bay F-16 từ bang Texas, Mỹ sang Ấn Độ. Đầu tháng 8-2016, đại diện Lockheed Martin tại Ấn Độ Abhay Paradzhap tuyên bố, New Delhi đã rất quan tâm tới vấn đề này, nhưng chưa có tuyên bố chính thức.
Theo nhiều nguồn tin, Lockheed Martin dự định sẽ sản xuất biến thể mới nhất của F-16 là Block 70/72 (còn gọi tạm thời là F-16IN) tại Ấn Độ. Ngoài ra, biến thể này sẽ chỉ được sản xuất ở quốc gia Nam Á này. Dự kiến, F-16IN sẽ được sản xuất từ năm 2019-2020.
Giới chuyên gia quân sự đánh giá, việc chuyển cơ sở lắp ráp máy bay F-16 sang Ấn Độ không chỉ giúp giảm chi phí, mà còn mang lại nhiều lợi ích về lâu dài cho hãng Lockheed Martin.
Không quân Ấn Độ hiện thiếu máy bay chiến đấu trầm trọng. Trong trường hợp, dây chuyền lắp ráp F-16 Block 70/72 được triển khai, phiên bản “Chim ưng chiến” này sẽ thay thế cho các đơn vị máy bay Mig-27 và Mirage-2000 cũ của Ấn Độ.
Động thái này cũng đồng nghĩa với việc Pháp đã chính thức tuột khỏi tay hàng tỷ USD khi hợp đồng cung cấp máy bay Rafale theo khuôn khổ chương trình MMRCA của Ấn Độ đổ vỡ.