Theo Reuters , Bộ Quốc phòng Australia cho biết trong một tuyên bố hôm 28/9: " Hoạt động hợp tác hàng hải thể hiện cam kết chung của chúng tôi trong việc tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế nhằm hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng ".
Tàu Hải quân HMAS Sydney và một máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon của Không quân Hoàng gia Australia sẽ hoạt động chung với các quốc gia trên để thúc đẩy "sự hợp tác và khả năng tương tác giữa các lực lượng vũ trang của các nước tham gia" , tuyên bố cho biết thêm.
Hoạt động chung này diễn ra sau một loạt các cuộc đụng độ trên không và trên biển giữa Philippines và Trung Quốc. Hai nước đã đấu khẩu về các khu vực ở Biển Đông, bao gồm Bãi cạn Scarborough, hiện đang do Trung Quốc kiểm soát kể từ năm 2012.
Hôm 25/9, các tàu hải quân New Zealand và Australia đã đi qua Eo biển Đài Loan, một động thái mà Bộ Quốc phòng Australia cho biết đã thể hiện cam kết của nước này đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở, ổn định và thịnh vượng.
Australia đã "liên tục gây sức ép với Trung Quốc về hòa bình và ổn định ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan", Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 28/9.
Theo trang GMA News của Philippines, người đứng đầu Lực lượng vũ trang Philippines Romeo Brawner Jr. cũng đã xác nhận thông tin trên.
" Hoạt động này sẽ được tiến hành theo cách phù hợp với luật pháp quốc tế và tôn trọng sự an toàn của hoạt động hàng hải cũng như quyền và lợi ích của các quốc gia khác ", ông Brawner cho biết.
Trong một động thái liên quan, Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền nam của Quân đội Trung Quốc cho biết vào cùng ngày rằng họ đã tổ chức các lực lượng không quân, hải quân để tiến hành tập trận và tuần tra trên biển và không phận tại các khu vực ở Biển Đông. Các cuộc tập trận xung quanh Bãi cạn Scarborough sẽ tập trung vào trinh sát và cảnh báo sớm.
Hiện vẫn chưa rõ Hoạt động hợp tác hàng hải đa phương (MMCA) giữa Mỹ và 4 nước trên sẽ diễn ra gần Bãi cạn Scarborough đến mức nào.