Ngoại trưởng Pompeo viết trên Twitter: "Chúng tôi hoan nghênh Anh, Đức và Pháp bác bỏ các yêu sách hàng hải trái phép của Trung Quốc ở biển Đông tại Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Chúng tôi cùng các quốc gia đồng minh bác bỏ quan điểm cho rằng chân lý thuộc về kẻ mạnh".
Tuyên bố trên của ông Pompeo được đưa ra sau khi ba nước châu Âu nói trên đệ trình công hàm chung lên LHQ vào ngày 16-9. Công hàm chung nêu rõ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông không tuân thủ theo luật pháp quốc tế và những quy định được ghi trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Trong công hàm, ba nước Pháp, Đức và Anh khẳng định UNCLOS là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển. Công hàm khẳng định việc Trung Quốc vẽ ra cái gọi là "đường cơ sở thẳng" xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và khái niệm "quyền lịch sử" mà nước này đưa ra để đòi yêu sách với phần lớn biển Đông, đã vi phạm luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS.
Nhận định về động thái của 3 nước châu Âu trên, tờ Asia Times cho rằng Anh và Pháp sẽ được hưởng lợi khi áp dụng lập trường cứng rắn hơn đối với những động thái đơn phương và sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực hàng hải chiến lược. Cả hai còn có các quyền sở hữu lãnh thổ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cùng những đối tác đầu tư và thương mại quan trọng.
Dựa vào tình hình căng thẳng gia tăng trên biển Đông và eo biển Đài Loan, nghị sĩ Anh Andrew Bowie gần đây kêu gọi chính phủ Thủ tướng Anh Boris Johnson "mở to mắt trước những mối đe dọa rõ ràng" từ Trung Quốc, đồng thời phản ứng bằng cách triển khai tàu sân bay đến phía Tây Thái Bình Dương.
Theo trang mạng Lawfare, chuyên gia Jonathan G. Odom tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Âu George C. Marshall (Đức) cho rằng việc Mỹ không phải là thành viên của UNCLOS đã gây trở ngại cho các nỗ lực của Mỹ để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.
Theo ông Odom, việc Mỹ không tham gia UNCLOS không được phép tạo ra sự xao nhãng trong cộng đồng quốc tế đối với vấn đề có tính căn bản hơn: Trung Quốc cần phải đối mặt hậu quả vì các yêu sách biển vô lý của họ và vi phạm nghĩa vụ tuân thủ phán quyết biển Đông có tính ràng buộc pháp lý.