Hệ thống pháo phản lực HIMARS. Ảnh: AP
Trước câu hỏi tại sao Mỹ không cung cấp các vũ khí tầm xa như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) cho Ukraine, bà Laura Cooper cho biết, Ukraine có thể tấn công hầu hết các mục tiêu của Nga, bao gồm cả ở Crimea bằng những vũ khí hiện tại đang được Mỹ cung cấp như Hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường (GMLRS) cùng Hệ thống pháo phản lực HIMARS.
Mỹ đã cung cấp thêm 4 Hệ thống pháo phản lực HIMARS trong gói hỗ trợ an ninh gần đây cho Ukraine, được thông báo ngày 4/10 với giá trị là 625 triệu USD. Chính quyền Tổng thống Biden đã cung cấp cho Ukraine hơn 17,5 tỷ USD hỗ trợ an ninh kể từ hồi tháng 1/2022.
Bên cạnh đó, Washington cũng cung cấp cho Kiev 16 lựu pháo cỡ nòng 155 mm cùng nhiều lựu pháo cỡ nòng 105 mm, 75.000 quả đạn cỡ nòng 155 mm, 1.000 đạn cho Hệ thống mìn chống thiết giáp từ xa, 500 đạn pháo dẫn đường chính xác 155mm, 30.000 đạn súng cối 120 mm, 200 thiết giáp kháng mìn MaxxPro, cùng các phương tiện quân sự khác.
Cùng ngày, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Konstantin Vorontsov nhận định trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng, việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí và thông tin tình báo cho Ukraine đang tiến dần tới "lằn ranh nguy hiểm" trực tiếp đối đầu với Nga.
"Mỹ đang tăng cường nỗ lực bơm vũ khí cho Ukraine, cung cấp dữ liệu tình báo cho quân đội nước này, đưa các cố vấn của mình tham gia vào cuộc xung đột.
Những động thái trên không chỉ mở rộng các hành động thù địch và tạo ra các nạn nhân mới mà còn đẩy tình hình đến giới hạn nguy hiểm của một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO".