Cụ thể, Reuters cho hay chính quyền ông Biden đã bổ sung 43 thực thể vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, bao gồm Frontier Services Group Ltd, một công ty an ninh và hàng không trước đây do Erik Prince điều hành.
Học viện bay thử nghiệm của Nam Phi (TFASA), một trường dạy bay từng bị chính quyền Anh điều tra, cũng được thêm vào danh sách kiểm soát của Bộ Thương mại Mỹ vì đã tuyển dụng các cựu phi công quân sự người Anh để huấn luyện phi công quân sự Trung Quốc .
Các công ty trong danh sách này bị hạn chế nhận hàng xuất khẩu của Mỹ vì các hoạt động được cho là đi ngược lại lợi ích của Washington.
"Danh sách đen" mới còn bao gồm nhiều công ty hàng không và học viện bay như Frontier Services ở Trung Quốc, Kenya, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)... Cùng đó là các đơn vị TFASA ở Nam Phi, Trung Quốc, UAE, Anh và các thực thể thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) ở Trung Quốc và Nam Phi.
"Trong số 43 thực thể mới bị Mỹ bổ sung vào danh sách trừng phạt có 31 thực thể đến từ Trung Quốc. Các thực thể Trung Quốc chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ điện tử, viễn thông, máy tính có trụ sở ở Thượng Hải, Bắc Kinh. Có 9 doanh nghiệp Trung Quốc và Pakistan được cho là đã hỗ trợ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Pakistan cũng có tên trong danh sách này" - Reuters cho biết.
Một phi công Trung Quốc lái máy bay chiến đấu trong cuộc tập trận quân sự hồi tháng 4. Ảnh: South China Morning Post
Ngoài việc tuyển dụng các cựu phi công phương Tây để huấn luyện cho các phi công quân sự Trung Quốc, các thực thể trong danh sách trừng phạt còn bị cáo buộc đã mua hàng hóa có nguồn gốc từ Mỹ để hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và gây nguy hại đến an ninh của Mỹ.
Động thái của Mỹ diễn ra sau khi một số chính phủ phương Tây nhận được thông tin cho rằng Bắc Kinh đã bí mật tuyển dụng phi công nước ngoài để đào tạo phi công cho lực lượng không quân Trung Quốc.
Trung Quốc đã phủ nhận tất cả cáo buộc nói trên và từng nói rằng họ không biết về các chương trình đào tạo có sự tham gia của các cựu phi công nước ngoài. Trong khi đó, đại diện các thực thể vừa bị Mỹ trừng phạt cũng chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ đưa các biện pháp trừng phạt với các công ty Trung Quốc. Đáp lại, phía Bắc Kinh cũng đã nhiều lần khẳng định các biện pháp của Mỹ là bất hợp pháp và không hiệu quả.
Bắc Kinh bị cáo buộc tuyển dụng cựu phi công phương Tây để đào tạo phi công quân sự Trung Quốc. Ảnh minh hoạ: Tân Hoa Xã