Mỹ tung đòn cực hiểm, đánh sập tham vọng bán S-400 của Nga cho Saudi Arabia

Tú Anh |

Nếu Saudi Arabia, Qatar hoặc bất kỳ quốc gia nào khác tiếp nhận hệ thống tên lửa S-400 từ Nga, rất có thể Mỹ sẽ từ chối cung cấp cho họ những công nghệ quốc phòng tốt nhất.

Nga chớp cơ hội từ sự thất bại của tên lửa Patriot

Lầu Năm Góc đã chính xác khi quyết định gửi thêm 4 radar 360 độ AN/MPQ-64 Sentinel để tăng cường khả năng phòng thủ và phòng không cho Saudi Arabia cùng với một hệ thống phòng không Patriot khác và các nhân viên hỗ trợ của Mỹ.

Tháng trước, vụ tấn công kết hợp giữa tên lửa và máy bay không người lái đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia tại Abqaiq và Khurais cũng như các lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.

Houthis, phong trào vũ trang ở nước láng giềng Yemen, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Tuy nhiên, Mỹ, Pháp, Đức, Anh và một số chính phủ nước ngoài khác đã đổ lỗi cho Iran về cuộc tập kích.

Những lý do được họ đưa ra là: Hướng tấn công diễn ra từ phía Tây Bắc; Iran liên tục tiến hành các hành vi gây hấn ở khu vực vùng Vịnh thời gian vừa qua; sự tương đồng giữa các hệ thống tấn công so với những vũ khí có trong kho của vũ trang Iran; và mức độ phức tạp cũng như tính chính xác của cuộc tấn công.

Các hệ thống radar và tên lửa Patriot mới, cùng với việc Bộ Quốc phòng Mỹ chuẩn bị triển khai thêm những biện pháp phòng thủ bổ sung sẽ giúp Saudi Arabia ngăn chặn và đánh bại các cuộc tấn công hủy diệt của Iran. Qua đây, Washington cũng thể hiện ý đồ không cho phép Saudi Arabia theo đuổi thương vụ mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga.

Thực tế, với việc nhìn nhận đây là một cơ hội hiếm có, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất Saudi Arabia nên chọn mua các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa như cách Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm. Một số quốc gia khác như Qatar, Ấn Độ và Iraq được cho là cũng đang cân nhắc mua các hệ thống đánh chặn tên lửa tiên tiến này của Nga.

Mỹ tung đòn cực hiểm, đánh sập tham vọng bán S-400 của Nga cho Saudi Arabia - Ảnh 1.

Nga sẵn sàng bán S-400 cho Saudi Arabia. Ảnh: RT

Đòn đánh "phủ đầu" của Mỹ

Tuy nhiên cần thấy rằng, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga thiết kế những hệ thống vũ khí đó theo các tiêu chuẩn của họ và phải phụ thuộc vào các chương trình phần mềm điều khiển do Moscow cung cấp.

Do vậy, khách hàng tiềm năng khó có thể tiếp cận được mã điện tử của hệ thống cũng như các dữ liệu nội bộ nên thiết bị nhận diện địch - ta vẫn nằm trong sự kiểm soát của Moscow.

Khi Saudi Arabia hoặc Qatar trang bị các hệ thống S-400, họ có thể bắn hạ được các máy bay chiến đấu của Mỹ hay Israel nhưng khó có khả năng tiêu diệt được máy bay của Iran vì chúng sẽ chỉ nhận dạng được các máy bay do Mỹ chế tạo là thù địch.

Hơn nữa, những hệ thống này có thể "bị mù" trước các mối đe dọa tiềm ẩn từ Iran và Syria vì hai quốc gia này cũng đã sở hữu các công nghệ phòng không của Nga và qua đó có thể học được cách che chắn phù hợp.

Lầu Năm Góc cho rằng, các khả năng thu thập thông tin tình báo tinh vi của S-400 sẽ gây nguy hiểm cho các hệ thống hàng không Mỹ hoạt động trong vùng lân cận. Khi Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga, Nhà Trắng đã ngay lập tức hủy bỏ kế hoạch cung cấp cho quốc gia đồng minh NATO này các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35.

Mỹ tung đòn cực hiểm, đánh sập tham vọng bán S-400 của Nga cho Saudi Arabia - Ảnh 2.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot khai hỏa. Ảnh: AP

Nếu Saudi Arabia, Qatar hoặc bất kỳ quốc gia nào khác nhận S-400, rất có thể Mỹ sẽ từ chối cung cấp cho họ những công nghệ quốc phòng tốt nhất. Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác đang có nhu cầu cấp bách cần tới sự bảo vệ của Mỹ và không thể chờ thêm thời gian để đồng bộ hóa phần cứng phức tạp của Nga và huấn luyện lực lượng của họ sử dụng chúng.

Ngoài ra, bên cạnh việc tước đi quyền tiếp cận các hệ thống vũ khí, chương trình huấn luyện của Mỹ cùng các lợi ích an ninh khác, việc một quốc gia nào đó mua vũ khí của Nga cũng sẽ đứng trước nguy cơ rủi ro bị trừng phạt về kinh tế và tài chính.

Các công nghệ quốc phòng của Nga không tương thích với các hệ thống vũ khí của Mỹ có trong kho vũ khí của Saudi Arabia, Qatar và kể cả Ấn Độ. Bất kỳ một tổ hợp phòng không độc lập nào của Nga cũng sẽ bị tê liệt vì chúng không có khả năng tương tác với các hệ thống phương Tây.

Đó là chưa kể các hệ thông S-400 mới có thể kém hiệu quả hơn so với những gì Nga quảng cáo. Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển đánh giá, phạm vi đánh chặn hiệu quả của S-400 chỉ là 20 km trước các tên lửa tầm thấp như loại đã tấn công Saudi Arabia. Những lời hứa về chuyển giao công nghệ của Nga cũng thường được phóng đại.

Mặc dù không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy Nga đã dàn xếp cuộc tấn công Saudi Arabia để tăng cường bán vũ khí nhưng các hoạt động của Moscow thời Chiến tranh Iraq - Iran và xung đột Azerbaijan - Armenia đã cho thấy Nga có thể thao túng căng thẳng như thế nào để bán vũ khí cho cả hai đối thủ.

Quyết định gần đây của Lầu Năm Góc cho thấy các đồng minh và đối tác của Mỹ có thể hợp tác hiệu quả như ra sao để đối phó với các mối đe dọa từ máy bay không người lái vũ trang và tên lửa hành trình: Phát triển các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tích hợp tốt hơn.

Patriot có thể trở thành hệ thống đánh chặn các mục tiêu bay thấp hiệu quả hơn thông qua việc triển khai các radar đa hướng chuyên dụng. Kết hợp cùng với các hệ thống đánh chặn khác, nó có thể tạo ra chiếc ô phòng không đa lớp hiệu quả cho Saudi Arabia và các quốc gia khác.

Patriot của Saudi Arabia đánh chặn tên lửa của Houthi rơi ngay khi khai hỏa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại