Mỹ từng cân nhắc dùng 520 quả bom hạt nhân để đào kênh thay thế Suez

Đức Trí |

Vào những năm 1960, Mỹ đã xem xét đề xuất sử dụng 520 quả bom hạt nhân để tạo ra một tuyến đường thủy chạy qua lãnh thổ Israel, thay thế cho kênh đào Suez.

Tấm bản đồ cho thấy vị trí của kênh đào Suez hiện tại (đường màu đỏ bên trái) và tuyến kênh đào xuyên qua Israel mà Mỹ từng xem xét vào những năm 1960 (đường màu đỏ bên phải). Ảnh: Insider

Tấm bản đồ cho thấy vị trí của kênh đào Suez hiện tại (đường màu đỏ bên trái) và tuyến kênh đào xuyên qua Israel mà Mỹ từng xem xét vào những năm 1960 (đường màu đỏ bên phải). Ảnh: Insider

Trang Business Insider đưa tin kế hoạch trên do Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đề xuất năm 1963, dựa trên kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc sử dụng bom để tạo ra một kênh đào xuyên Israel là khả thi về mặt công nghệ. Bản ghi chép này được giải mật năm 1996.

Trong đó, Phòng thí nghiệm Lawrence Livermore đã gợi ý sử dụng 520 quả bom hạt nhân để phá nổ đất, tạo thành một tuyến đường thủy dài gần 260km, ngang bằng mực nước biển, chạy qua sa mạc Negev thuộc Israel.

Bản ghi chép lưu ý các biện pháp đào bới thông thường sẽ vô cùng tốn kém, do đó sử dụng bom hạt nhân là hợp lý hơn cả. Ngoài ra, một quãng đường 209km thuộc phần hoang mạc hầu như không có người ở nên rất phù hợp để đặt bom. “Con kênh này sẽ là phương án thay thế có giá trị chiến lược cho kênh đào Suez hiện tại, đồng thời có thể sẽ đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế", văn bản giải mật này nhấn mạnh.

Tuyến đường thủy này được đề xuất trải dài qua sa mạc Negev ở Israel, nối Địa Trung Hải với Vịnh Aqaba, mở ra lối vào Biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Đề xuất trên ước tính cần bốn thiết bị chứa 2 megaton chất nổ cho từng đoạn 1,6km. Con kênh sẽ cần ít nhất 520 quả bom hạt nhân hoặc 1,04 gigaton chất nổ.

Tuy nhiên, dự án này đã không thể triển khai vì gặp trở ngại tính khả thi về chính trị. Nhiều khả năng các nước Arab láng giềng của Israel sẽ cực lực phản đối việc xây dựng một con kênh như vậy.

Dù không thành hiện thực nhưng nhà sử học Alex Wellerstein tại Viện Công nghệ Stevens (Mỹ) vẫn coi kế hoạch này là phương án thay thế hợp lý nhất đối với tình hình tại kênh Suez hiện nay.

Tuyến vận tải huyết mạch Suez đã bị tắc nghẽn từ ngày 23/3, sau khi siêu tàu Ever Given, mang cờ Panama, có chiều dài 400 mét bị mắc cạn tại đây. Nguyên nhân ban đầu được cho là vì sức gió quá mạnh khiến tàu xoay ngang và mắc kẹt. (Xem video toàn cảnh "giải cứu" tàu Ever Given. Nguồn: Global News)

Vụ mắc cạn đã khiến hoạt động giao thương đi qua kênh đào Suez hầu như tê liệt, khiến hơn 200 tàu khác bị tắc nghẽn ở hai đầu kênh đào dài khoảng 190 km này. Đặc biệt, tình trạng nhiều tàu chở dầu bị mắc kẹt tại đây bị cho là nguyên nhân khiến giá dầu tăng khoảng 5%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại