Dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên, tờ Washington Post ngày 19/7 cho biết, Tổng thống Donald Trump đã quyết định chấm dứt chương trình bí mật của Cục tình báo trung ương (CIA) tại Syria nhằm vũ trang và huấn luyện cho lực lượng nổi dậy chống chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Bước thụt lùi của Mỹ trước Nga
Chương trình bí mật trên từng là nền tảng trung tâm của chính sách được chính quyền Obama khởi xướng từ năm 2013 nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Syria Bashar al Assad từ chức. Tuy nhiên, ngay cả những người hậu thuẫn cho kế hoạch này cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả khi Nga triển khai quân tại Syria hai năm sau đó.
Các quan chức Mỹ cho rằng việc từ bỏ chính sách bí mật này cho thấy Tổng thống Trump đang mong muốn tìm ra cách thức hợp tác với Nga, nước luôn coi việc chống Tổng thống Assad là tấn công vào các lợi ích của mình.
Quyết định chấm dứt chương trình cũng cho thấy Washington đã thừa nhận hạn chế của mình trong việc loại bỏ quyền lực của Tổng thống Assad.
Một số chuyên gia cho rằng quyết định của ông Trump là sự thừa nhận vị trí lãnh đạo của Tổng thống Assad tại Syria. Ảnh: Reuters
Chỉ mới 3 tháng trước, sau khi cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học, Tổng thống Trump đã chỉ thị không kích trả đũa một căn cứ không quân của Syria. Khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói rằng "chúng ta không thể nhìn thấy hòa bình ở nơi mà Assad vẫn còn lãnh đạo chính phủ Syria".
Theo các quan chức Mỹ, Tổng thống Trump đã quyết định từ bỏ chương trình bí mật của CIA gần một tháng trước sau cuộc họp tại phòng Bầu Dục với Giám đốc CIA Mike Pompeo và Cố vấn anh ninh quốc gia H.R. McMaster trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin ngày 7/7 tại Đức.
Sau hội đàm Trump - Putin, Mỹ và Nga đã tuyên bố ủng hộ một thỏa thuận ngừng bắn tại Tây Nam Syria, dọc biên giới với Jordan, nơi có rất nhiều phần tử nổi dậy do CIA hậu thuẫn đang hoạt động. Tổng thống Trump coi thỏa thuận ngừng bắn có giới hạn này là một trong những lợi ích của mối quan hệ mang tính xây dựng với Moscow.
Tuy vậy, các quan chức Mỹ vẫn nói rằng, quyết định chấm dứt chương trình bí mật vũ trang cho các phần tử chống Tổng thống Assad không phải là một trong những điều kiện trong các thảo luận ngừng bắn.
Putin đã chiến thắng
Một số quan chức hiện tại và trước đây ủng hộ cho chương trình bí mật của CIA coi đây là một động thái nhượng bộ lớn của Mỹ.
"Đây là một quyết định rất quan trọng", một quan chức giấu tên cho biết. "Putin đã chiến thắng tại Syria".
Với việc chấm dứt chương trình của CIA, can dự của Mỹ tại Syria hiện nay chỉ còn là chiến dịch không kích mạnh mẽ chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và một chương trình huấn luyện – trang bị, do Lầu Năm Góc điều hành để hậu thuẫn cho lực lượng phiến quân người Kurd đang tấn công vào các thành trì của IS tại Raqqa và dọc thung lũng sông Euphrates.
Một số chuyên gia cho rằng quyết định chấm dứt chương trình CIA nhiều khả năng sẽ trao thêm sức mạnh cho các nhóm cực đoan ở Syria và hủy hoại uy tín của nước Mỹ.
Hai ông Putin và Trump gặp gỡ ở G-20. Ảnh: CNN
"Chúng ta đang rơi vào một cái bẫy của Nga", Charles Lister, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Trung Đông nhận xét.
Các chuyên gia khác thì cho rằng đó là sự thừa nhận vị trí lãnh đạo của Tổng thống Assad tại Syria.
"Đó có thể là sự thừa nhận thực tế" Ilan Goldenberg, cựu quan chức chính quyền Obama, Giám đốc Chương trình An ninh Trung Đông thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận xét.
Theo các quan chức cao cấp Mỹ, chương trình bí mật này sẽ từng bước được giải tán trong khoảng thời gian vài tháng. Cũng có thể sự hậu thuẫn của Mỹ sẽ được chuyển hướng sang các sứ mệnh khác chẳng hạn như chống lại IS hoặc đảm bảo cho phe nổi dậy vẫn có thể tự bảo vệ họ không bị tấn công.
"Đây là lực lượng mà chúng ta không thể từ bỏ hoàn toàn", Goldenberg nói. "Nếu họ chấm dứt mọi viện trợ cho quân nổi dậy, thì đó sẽ là một sai lầm chiến lược lớn".
Các quan chức Mỹ cho biết, quyết định đã nhận được sự hậu thuẫn của Jordan, địa bàn huấn luyện một số phần tử nổi dậy và dường như cũng là một phần trong chiến lược lớn hơn của Chính quyền Donald Trump muốn tập trung vào đàm phán các thỏa thuận ngừng bắn có giới hạn với Nga.
Đầu tháng này, 5 ngày sau thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên ở Tây Nam Syria, ông Trump đã ám chỉ có một thỏa thuận khác đang được thương thảo với Moscow. "Chúng tôi đã thảo luận một thỏa thuận ngừng bắn thứ hai ở một vị trí rất nóng bỏng của Syria. Nếu đạt được thỏa thuận đó và một vài thỏa thuận nữa thì sẽ không còn một viên đại nào được bắn ra ở Syria".
Cho tới cuối nhiệm kỳ Obama, một số quan chức ủng hộ việc chấm dứt chương trình CIA cho rằng, các phần tử nổi dậy sẽ không hiệu quả nếu không tăng cường nhiều hơn sự trợ giúp của Mỹ.
Tuy nhiên, chương trình vẫn nhận được sự hậu thuẫn của đa số cố vấn cao cấp của ông Obama. Họ lập luận rằng, Mỹ không thể từ bỏ các đồng minh trên chiến trường và việc từ bỏ sẽ để lại những tổn thất cho vị thế của Mỹ trong khu vực.
Thậm chí, những người còn hoài nghi về giá trị lâu dài của chương trình cũng coi đây là công cụ mặc cả có thể được sử dụng để ép buộc Moscow nhượng bộ trong các đàm phán về tương lai Syria.
"Mọi người bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt chương trình nhưng không phải là thứ mà chúng ta làm miễn phí", một cựu quan chức Nhà Trắng nói. "Từ bỏ chương trình mà không nhận lại được gì sẽ là một việc làm xuẩn ngốc".