Mỹ trước sức ép vượt “lằn ranh đỏ” chuyển tiêm kích F-16 cho Ukraine

Hoàng Phạm |

Các quan chức ở Washington ám chỉ họ vẫn sẵn sàng cho phép bên thứ ba gửi máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất tới Ukraine.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với sức ép mới và ngày càng lớn về việc bật đèn xanh cho phép chuyển giao F-16 tới Kiev, sau khi Vương quốc Anh tuyên bố sẽ đào tạo phi công chiến đấu cơ Ukraine.

Mặc dù đã vượt một số “lằn ranh đỏ” trong viện trợ quân sự như cung cấp tên lửa dẫn đường, máy bay không người lái (UAV) và xe tăng Abrams, chính quyền ông Biden hiện đang giữ nguyên giới hạn đối với F-16 .

Mỹ trước sức ép vượt “lằn ranh đỏ” chuyển tiêm kích F-16 cho Ukraine - Ảnh 1.

Máy bay F-16. Ảnh: Military

Trước những sức ép ngày càng gia tăng hiện nay, Mỹ có thể sẽ cho phép các quốc gia khác đang sử dụng F-16 gửi máy bay của họ tới Ukraine.

Chiến dịch gây sức ép là một nỗ lực đa chiều của các nước châu Âu, các nhà nghị sĩ lưỡng đảng tại Mỹ và đặc biệt là giới lãnh đạo Ukraine. Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có chuyến thăm một số nước châu Âu để kêu gọi tăng cường biện trợ, đặc biệt là máy bay chiến đấu.

Sức ép từ đồng minh

Hôm 16/5, Vương quốc Anh tuyên bố khởi động một liên minh quốc tế nhằm giúp Ukraine được nhận máy bay F-16. Theo đó, Vương quốc Anh sẽ đào tạo phi công Ukraine lái các máy bay chiến đấu hiện đại. Bỉ sau đó cũng đưa ra quyết định tương tự.

Vấn đề F-16 dự kiến được thảo luận tại cuộc họp thượng đỉnh G-7 ở Nhật Bản vào cuối tuần này, cũng như hội nghị thượng đỉnh thường niên của NATO tại Litva vào tháng 7 tới.

Người phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói rằng “máy bay chiến đấu là thứ duy nhất còn thiếu trong danh sách mong muốn của Ukraine”.

Mặc dù Nhà Trắng đã nhiều lần bác bỏ khả năng gửi F-16 của Không quân Mỹ cho Ukraine, nhưng Washington không loại trừ việc chấp thuận cho bên thứ 3 chuyển giao máy bay này tới Kiev.

Các quốc gia đã mua F-16 hoặc bất kỳ hệ thống vũ khí nào khác từ Mỹ đều phải được sự chấp thuận của Washington trước khi chuyển giao chúng cho nước thứ ba. Mỹ, dù dưới chính quyền của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, đêu từng hủy bỏ yêu cầu tương tự nếu có những lo ngại về việc chuyển giao một số công nghệ nhạy cảm cụ thể.

Một số quan chức Mỹ cho rằng, các cuộc thảo luận về việc gửi F-16 cho Ukraine nên đợi cho đến khi xung đột kết thúc. Tuy nhiên, một số đồng minh châu Âu đã bắt đầu tính đến việc cung cấp các máy bay chiến đấu tiên tiến hoặc ít nhất là huấn luyện cho Kiev.

Giới lãnh đạo Anh và Đức ngày 17/5 kêu gọi Mỹ đưa ra quyết định về viện viện trợ máy bay chiến đấu cho Kiev. Theo họ, F-16 là do Mỹ sản xuất nên Washington phải “quyết định liệu có thể giao F-16 hay không”.

Tranh luận về việc chấp nhận cho bên thứ ba cung cấp F-16 tới Ukraine cũng tương tự như những gì đã diễn ra về viện trợ xe tăng hồi đầu năm này, khi các quốc gia vận hành xe tăng Leopard muốn Đức bật đèn xanh cho việc chuyển giao chúng tới Kiev.

Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Rishi Sunak và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Anh dường như tuyên bố bắt đầu một liên minh hướng tới việc gửi máy bay cho Ukraine.

Người phát ngôn chính phủ Hà Lan sau đó cho biết “không có thỏa thuận nào với chính phủ Anh về việc cung cấp F-16 cho Ukraine”, nhưng xác nhận hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề này.

Vương quốc Anh không có máy bay F-16 nhưng sẵn sàng đào tạo các phi công Ukraine về chiến thuật không đối không tiên tiến mà họ sẽ cần học hỏi nếu được cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4.

Hà Lan là một trong số ít các đồng minh NATO chuyển đổi từ F-16 sang F-35 và sẽ dư thừa hàng chục máy bay F-16 trong những năm tới. Hà Lan có 48 chiếc F-16 đang hoạt động, trong khi Bỉ, Ba Lan và Đan Mạch cũng sẽ sớm thực hiện chuyển đổi tương tự.

Sức ép nội bộ

Các quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc nhiều lần cho rằng F-16 không phải là những gì Ukraine cần cho giai đoạn hiện nay của cuộc xung đột.

“Trọng tâm của chúng tôi là các ưu tiên của Ukraine đối với cuộc xung đột hiện nay. Trong danh sách, máy bay hiện đại của phương Tây đứng thứ 8”, người đứng đầu văn phòng Các vấn đề An ninh Quốc tế của Lầu Năm Góc, Celeste Wallander, cho biết trong một phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện hồi tháng 4.

Ba ưu tiên hàng đầu của Ukraine là phòng không, pháo binh cũng như các phương tiện cơ giới và bọc thép.

“Ở mọi giai đoạn của cuộc xung đột, chúng tôi cố gắng tìm ra những gì Ukraine cần ngay thời điểm đó và chúng tôi làm điều này với sự tham vấn của Ukraine”, ông Wallander nói.

Trong khi đó, Hạ Nghị sĩ đảng Dân chủ (bang Ohio) Marcy Kaptur cho rằng, việc cung cấp F-16 cho Ukraine nên được xem xét.

“Đó là một trong những ưu tiên hàng đầu của họ. Những quan chức Ukraine đến đây gặp chúng tôi đều đề cập đến F-16. Điều đó rất quan trọng với họ”, bà nói.

Bà Kaptur đã cùng với 12 nghị sĩ khác của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ một lần nữa thúc giục chính quyền Tổng thống Biden gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine. Họ đã sử dụng ngôn ngữ gay gắt hơn so với trước đây và đặc biệt tìm cách bác bỏ lập luận của chính quyền phản đối việc chuyển giao.

Chính phủ Ukraine nêu đề nghị về F-16 với một nhóm các nhà lập pháp Mỹ tại Diễn đàn An ninh Munich vào tháng 2/2023. Trong một phát biểu trước Quốc hội, quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ tại châu Âu, Tướng Christopher Cavoli nhận định F-16 cùng với tên lửa tầm xa và UAV sẽ giúp Ukraine kiểm soát bầu trời.

Mỹ có phá vỡ giới hạn thêm lần nữa?

Hiện tại, dường như chưa có quốc gia châu Âu nào chính thức đề nghị Mỹ chấp thuận để họ gửi máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine. Vấn đề này có thể sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO tại Vilnius, Litva vào tháng 7.

Hỗ trợ an ninh cho Ukraine đã có sự thay đổi lớn kể từ các cuộc tranh luận trước khi xung đột bùng phát liên quan việc gửi tên lửa chống tăng Javelin cho Kiev. Kể từ sau đó, châu Âu và Mỹ dần cởi mở hơn trong việc gửi vũ khí tinh vi cho Ukraine.

Ví dụ gần đây nhất là quyết định của Anh gửi tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow. Tên lửa này có thể giúp Kiev bắn trúng mục tiêu cách xa tới 250km, gấp 3 tầm bắn của hệ thống HIMARS do Mỹ cũng cấp.

Động thái này một lần nữa cho thấy các đồng minh phương Tây đã bớt lo ngại hơn về các mối đe dọa leo thang của Nga nếu Ukraine được cung cấp vũ khí mạnh hơn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, hỗ trợ quân sự của Mỹ cũng gia tăng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với Ukraine và làm việc suốt ngày đêm để tiếp tục giao hàng. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác để xác định và cung cấp cho Ukraine những gì họ cần”.

Người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine Yuriy Ignat đã đăng trên kênh Telegram rằng Kiev đang có kế hoạch “thay thế toàn bộ phi đội máy bay bằng loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ, dễ sử dụng” trong những năm tới.

Ukraine hiện đang sử dụng máy bay Su-24M, Su-25, MiG-29 và Su-27 từ thời Liên Xô, và “máy bay chiến đấu đa năng F-16 có khả năng thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của cả 4 loại máy bay chiến đấu này. Có thể không quá mạnh, nhưng nhờ được hiện đại hóa, nhờ vũ khí có độ chính xác cao, nó có thể làm được rất nhiều điều hữu ích cho Ukraine trong việc bảo vệ đất nước”, ông Ignat nói.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà lập pháp Mỹ đều bị thuyết phục. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Kelly (bang Arizona) ngày 17/5 cho biết mặc dù ông ủng hộ Ukraine cuối cùng nhận được máy bay chiến đấu, nhưng ông lo ngại về việc chuyển giao chúng trong thời gian ngắn.

“Các hệ thống phòng không của Nga hiện đang đặt ra mối đe dọa khá lớn đối với những chiếc MIG-29 của Ukraine. Liệu Kiev có sẵn sàng đưa F-16 vào môi trường rủi ro tương tự hay không?”, ông Kelly đặt câu hỏi.

Ông cũng nói thêm rằng mặc dù chương trình thử nghiệm dành cho 2 phi công Ukraine ở Arizona năm nay diễn ra tốt đẹp, nhưng ông “lo ngại về việc họ có thể vận hành nó nhanh chóng như thế nào và hiệu quả của nó trong cuộc xung đột này ra sao”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại