Mỹ, Trung Quốc sắp tới "điểm bùng phát" một cuộc chiến, cựu lãnh đạo tình báo MI6 cảnh báo

Huyền Chi |

Trung Quốc có thể sắp tới “điểm bùng phát” về vấn đề tái thống nhất Đài Loan - một đồng minh của Mỹ, cựu Phó Giám đốc MI6 Nigel Inkster cảnh báo.

Quân đội Trung Quốc thử nghiệm pháo PL-166 152 mm (Ảnh: China Military)

Quân đội Trung Quốc thử nghiệm pháo PL-166 152 mm (Ảnh: China Military)

Từng là một điệp viên của cơ quan tình báo Anh MI6, ông Inkster mới đây lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc đang tiến sát bờ vực một cuộc chiến tranh với nước Mỹ; theo chuyên trang Brinkwire.

Theo cựu Phó Giám đốc tình báo này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang mất dần sự kiên nhẫn, và Trung Quốc đang “tiến sát” một cuộc đối đầu trực diện với Mỹ xung quanh vấn đề Đài Loan.

Thêm nữa, ông Inkster nói rằng Bắc Kinh đã kết luận rằng “những nỗ lực hòa bình đã không còn khả thi nữa”, và sắp đi đến kết luận rằng tham vọng tái thống nhất Đài Loan sẽ chỉ thành công “thông qua các biện pháp vũ trang”.

Trên thang điểm 10, nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ “là khoảng 8”, ông Inkster nhận định khi tham gia phỏng vấn với hãng LBC London.

Được biết, LBC là hãng phát thanh thường xuyên tổ chức các cuộc phỏng vấn trực tiếp, tiếp nhận các câu hỏi qua điện thoại, có trụ sở tại London, Anh.

Nhưng liệu Inskter hiểu sai hay đúng về những tín hiệu đó, chỉ có thời gian mới trả lời được.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Richard Nixon từng gọi đây là “Thuyết kẻ điên” (Madman Theory). Trước đây, Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Nixon đã cố gắng khiến cho lãnh đạo của các nước Cộng sản nghĩ rằng lãnh đạo Mỹ là người thiếu lý trí và bốc đồng. Theo thuyết này, những lãnh đạo trên sẽ tránh khiêu khích Mỹ vì lo sợ cách đáp trả khó lường của ông Nixon.

Không rõ liệu Trung Quốc có đang áp dụng thuyết này hay không.

Trong khi đó, Đài Loan mới đây đã đưa ra tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng chưa từng có tiền lệ, 9 tỉ USD, nhằm đối phó với mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Tuyên bố này chắc chắn khiến Bắc Kinh không hài lòng.

Thêm vào đó là sự nguy hiểm đến từ hiệp ước quốc phòng AUKUS giữa Anh, Mỹ và Australia vốn rất gây tranh cãi trong những ngày qua. Hiệp ước thành lập liên minh mới này có thể kéo Anh vào một cuộc xung đột với Trung Quốc, xung quanh vấn đề Đài Loan.

Ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã gọi AUKUS là một ví dụ điển hình cho thấy “lối suy nghĩ kiểu chiến tranh lạnh lỗi thời và tổng bằng không”.

Trở lại cuộc phỏng vấn với cựu điệp viên Inkster. Người dẫn chương trình Matt Frei đã đặt câu hỏi rằng: “Trên thang điểm từ 1 đến 10, ông có thể đánh giá xem khả năng xảy ra một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là bao nhiêu?”. Inkster trả lời “Hiện giờ là 8”.

“Viễn cảnh tốt nhất là cả Trung Quốc và Mỹ đều nhận ra rằng hai bên đều có lợi thế quân sự riêng, và không bên nào hơn bên nào một cách đáng kể cả. Nhận thức như vậy có thể giúp duy trì hòa bình. Đó chính là hy vọng duy nhất của chúng ta.

Chúng ta có thể đang hướng tới một điểm bùng phát, khi mà Trung Quốc tin rằng việc tái thống nhất hòa bình với Đài Loan là bất khả thi” – Inkster nói.

Ngay trong lúc ông Inkster trả lời phỏng vấn, thì tại một sự kiện tổ chức tại bang Maryland, Mỹ, tướng Mark D. Kelly nói với những người tham gia rằng, Trung Quốc cần phải bị thách thức; theo tạp chí Air Force.

Ông Kelly nói rằng, có một “thực tế khó khăn” là Lực lượng Không quân Mỹ đã được chuẩn bị và huấn luyện cực kỳ sẵn sàng để đánh bại địch thủ của mình – Nga – cách đây 30 năm, và sau đó đạt được chiến thắng ở Iraq.

Nhưng trong vòng 20 năm qua, Không quân Mỹ được tối ưu hóa để chiến đấu trong một “môi trường dễ dãi”. Và trong cùng thời gian đó, Trung Quốc hoàn toàn tập trung vào tăng cường “khả năng chiến đấu, và chiến đấu với chúng ta”.

Cơ cấu và các hệ thống lực lượng của Trung Quốc “được thiết kế để gây thêm nhiều tổn thất hơn trong vòng 30 giờ đầu tiên của trận chiến, so với mức mà chúng ta có thể chịu đựng trong 30 năm ở Trung Đông”, ông Kelly nói. Trong khi kho vũ khí của Không quân dần cũ kỹ và biến mất, cán cân sức mạnh đang nghiêng về phía Bắc Kinh.

Ông Kelly thêm rằng, Nga “đã sáp nhập” Crimea “mà không mất một phát đạn nào” là bởi đối phó với những tình huống đó giờ trở nên khó khăn hơn do các hệ thống phòng không của đối thủ.

Để giành lại lợi thế, lực lượng Không quân Mỹ cần phải đủ khả năng để xuyên thủng “vùng không phận chủ quyền có mức độ cạnh tranh cao”, ông Kelly nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại