Nguyên tắc "sòng phẳng"
Những động thái đồng thời diễn ra mang lại hình ảnh và cảm nhận về nghịch lý và mâu thuẫn trong mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Nga.
Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành luật về đáp trả những biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp dụng đối với Nga thì phía Phủ tổng thống Mỹ xác nhận rằng đang có những dàn xếp cần thiết cho cuộc thượng đỉnh Mỹ - Nga tiếp theo trong thời gian tới.
Kể từ khi ông Donald Trump lên cầm quyền ở Mỹ đến nay, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga không tốt đẹp hơn so với trước, nếu như không muốn nói là trong chừng mực nhất định còn tồi tệ hơn, cho dù mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin lại không đến nỗi khúc mắc như giữa ông Putin với người tiền nhiệm của ông Trump là ông Barack Obama.
Ông Trump và ông Putin đã hai lần gặp nhau, nhưng đều ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ của nước Mỹ hay nước Nga. Hồi tháng 3 vừa rồi, Nhà Trắng xác nhận là ông Trump đã mời ông Putin sang thăm Mỹ.
Đầu tháng 4 năm nay, phía Mỹ gia tăng biện pháp và siết chặt mức độ trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại và tài chính vì nhiều lý do khác nhau.
Trong vụ việc điệp viên hai mang người Nga Sergey Skripal bị đầu độc ở Anh, cho dù chứng cứ mới chỉ là những cáo buộc suông của chính phủ Anh, phía Mỹ đã đi đầu trong cuộc chiến ngoại giao chống Nga.
Nội dung bộ luật mới được ông Putin ký ban hành là những biện pháp của Nga nhằm trừng phạt tất cả những quốc gia, tổ chức và cá nhân hợp tác với Mỹ và tham gia cùng Mỹ trừng phạt Nga.
Việc Nga trả đũa Mỹ sau khi bị Mỹ áp dụng những biện pháp trừng phạt không có gì lạ. Vì thể diện quốc gia và lợi ích cơ bản, vì hiện tại cũng như lâu dài, Nga không có sự lựa chọn nào khác.
Sòng phẳng với nhau vốn đã trở thành một trong những nguyên tắc chỉ đạo mối quan hệ giữa hai nước này. Cả ông Trump lẫn ông Putin đều có nhu cầu đối nội và đối ngoại như nhau khi đối xử với nhau và đáp trả lẫn nhau như thế.
Tính thực tế
Cả hai người này đồng thời trong suy tính và hành xử lại đủ thực tế đến mức không để cho mối quan hệ giữa Nga và Mỹ bị đổ vỡ.
Với Triều Tiên, ông Trump đã thể hiện cách tiếp cận chính sách và hành động vừa khác người tiền nhiệm, vừa rất thực dụng. Với Nga, ông Trump lại càng phải thế.
Để thực hiện và bảo tồn lợi ích chính trị an ninh ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, ông Trump đều cần đến sự ủng hộ và tham gia của Nga hoặc có được Nga đồng hành thì vẫn luôn tốt hơn và thuận lợi hơn cho Mỹ.
Ông Putin cũng có nhu cầu tương tự trong quan hệ của Nga với Mỹ và có chủ ý phân hoá Mỹ với những đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ ở nhiều khu vực trên thế giới.
Không thể nói là các biện pháp trừng phạt của bên này không gây tổn hại và khó khăn gì cho bên kia. Nhưng tổn hại thực tế về kinh tế và thương mại đối với Nga và Mỹ trực tiếp từ các biện pháp trừng phạt lẫn nhau này không phải lớn.
Nếu các đối tác kinh tế và thương mại khác của Nga theo Mỹ hoặc bị Mỹ gây áp lực đến mức buộc phải theo Mỹ trừng phạt Nga thì khi ấy Nga mới gặp khó khăn thực sự lớn.
Bộ luật mới được ông Putin ban hành nhằm vào diện đối tác này là chính chứ không phải nhằm chủ yếu vào Mỹ, cảnh báo và răn đe các đối tác này là trước hết chứ không phải với mục đích hàng đầu là trực tiếp đáp trả Mỹ.
Với nền tảng và vị thế quyền lực hiện tại ở Nga, ông Putin dễ dàng và thuận lợi trong xử lý quan hệ của Nga với Mỹ hơn hẳn ông Trump ở Mỹ trong xử lý quan hệ của Mỹ với Nga.
Ông Putin dường như thấy rõ được tình thế khó khăn và khó xử của ông Trump cho nên trong thời gian vừa qua đã chỉ làm những gì cần phải làm chứ không phải có thể làm được khi đưa ra những quyết sách đáp trả Mỹ.
Khác so với ở thời ông Obama lãnh đạo nước Mỹ, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga hiện tại phải được nhìn nhận và đánh giá đồng thời trên cả hai phương diện là những động thái chung từ chính quyền của cả hai phía và mức độ quan hệ cá nhân giữa ông Trump và ông Putin. Biểu hiện bề ngoài nhiều khi không phản ánh đúng thực chất của mối quan hệ giữa Mỹ và Nga.