Theo báo Washington Times, hãng thông tấn IRNA (Iran) dẫn “nguồn tin nội bộ” trong Bộ Dầu khí Iran trấn an vụ bán giá rẻ này là chuyện bình thường của thị trường toàn cầu, do các nhà xuất khẩu dầu thô ra giá.
Bình luận này tiếp sau thông tin của Bloomberg hôm 10.8, rằng Công ty dầu khí quốc gia Iran lên kế hoạch chính thức hạ giá bán dầu khí bán qua châu Á trong tháng 9 tới, xuống mức thấp nhất kể từ 14 năm nay.
Các nhà phân tích ngành năng lượng nói tình hình này khiến toàn cầu lo sợ, rằng vụ Iran giảm xuất khẩu dầu sẽ tiếp tục đẩy giá dầu thế giới tăng cao. Một số chuyên gia dự báo sản lượng dầu Iran sẽ giảm từ 2 triệu thùng/ngày xuống còn 700.000 thùng/ngày.
Iran hiện có nguồn khí tự nhiên lớn hàng thứ nhì thế giới, và hàng thứ tư thế giới về nguồn dầu thô dự trữ, và là nhà sản xuất dầu thô lớn hàng thứ ba trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) với sản lượng xuất khẩu 2 triệu thùng dầu thô/ngày.
Nhằm “bóp nghẹt” Iran, các quan chức Mỹ nói nguồn cung dầu toàn cầu đủ lớn để thay thế sản lượng dầu Iran bị giảm. Hồi đầu hè 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng sức ép để OPEC và Ả Rập Saudi (nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới) phải tăng sản lượng.
Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng hôm 13.8, OPEC báo sản lượng dầu đã tăng lên hồi tháng 7. Dù sản lượng dầu ở Libya và Venezuela giảm, giá dầu vẫn giữ nguyên giá hồi tháng 6 và tháng 7.
Ông Trump "quyết đấu" với Tehran về Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015
Khi sắp đến thời hạn chót 5.11 (do chính phủ Mỹ đưa ra) để cấm quốc tế mua dầu Iran, các nhà phân tích cũng chờ xem phản ứng của Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước mua gần một nửa tổng sản lượng dầu Iran. Ấn-Trung đều nói đã có kế hoạch giảm mua dầu Iran.
Ngày 6.8, Tổng thống Trump ký một sắc lệnh tái lập trừng phạt kinh tế thật nặng đối với Iran, tiếp sau việc ông Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Thỏa thuận Hành động chung toàn diện (JCPOA) này từng đạt được giữa Mỹ (thời Tổng thống Barack Obama), Iran, Trung Quốc, Nga và nhóm E3 (Anh, Pháp Đức) buộc Iran hạn chế chương trình hạt nhân, đổi lại Tehran được quốc tế dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế.
Nhưng ngày 8.5, Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA với lý do nó “quá kinh khủng và là thỏa thuận một chiều, không đạt được mục tiêu cơ bản là chặn mọi cách để không cho Iran có bom hạt nhân, và JCPOA ném hàng tỉ USD cho một nhà nước độc tài giết người vốn tiếp tục gieo rắc bạo lực, hỗn loạn và máu đổ, gây xung đột trên khắp Trung Đông và xa hơn nữa, lại còn chế tạo tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân”.
Quyết định của ông Trump mở đường cho việc tái lập cấm vận kinh tế Iran. Sắc lệnh của Mỹ có hiệu lực từ nửa đêm 6.8, và Nhà Trắng tuyên bố chính thức rằng Mỹ sẽ làm việc chặt chẽ với các nước làm ăn với Iran để buộc họ hoàn toàn tuân thủ lệnh cấm vận.
Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không cho chính phủ Iran mua hoặc sở hữu đồng USD, đồng thời không cho Iran mua bán phần mềm điện toán, vàng-đá quý, không cho trực tiếp hoặc gián tiếp bán, cung cấp hoặc chuyển nhượng thép, nhôm, than và than chì với Iran.
Những cuộc giao dịch tài chính lớn bằng tiền Iran và ngành sản xuất Iran cũng bị cấm vận, trong khi cũng cấm bán máy bay Mỹ và của khối Liên hiệp châu Âu (EU) cho Tehran.
Đến ngày 5.11 tới, Mỹ sẽ áp dụng đầy đủ lệnh trừng phạt liên quan hạt nhân đối với Iran, “nhằm chống lại lĩnh vực năng lượng gồm các vụ mua bán liên quan dầu thô, cùng các giao dịch tài chính giữa các cơ sở tài chính nước ngoài với Ngân hàng trung ương Iran”, theo tuyên bố của Nhà Trắng.
Trước đó, chính quyền Mỹ đã yêu cầu các quốc gia khác dừng nhập khẩu dầu của Iran kể từ ngày 5.11 tới, hoặc phải đối mặt với trừng phạt tài chính, không có ngoại lệ.
Tổng thống Trump ra tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ lệnh trừng phạt, để khẳng định rõ rằng chế độ Iran đối mặt với một lựa chọn: thay đổi hành vi dọa nạt, gây bất ổn của họ và hội nhập vào kinh tế toàn cầu, hoặc tiếp tục đi theo hướng bị cô lập kinh tế”.
Các quan chức Mỹ phủ nhận mục tiêu của sắc lệnh không phải nhằm lật đổ chế độ ở Tehran, nhưng nói họ cược rằng sức ép gia tăng sẽ buộc Iran phải thay đổi chính sách một cách đáng kể, như ngưng ủng hộ các tổ chức khủng bố, ngưng hù dọa kình địch Israel và các đồng minh Ả Rập của Mỹ, ngưng ủng hộ các thế lực gây bất ổn ở Iraq, Syria, Lebanon và Yemen.
Phản ứng với sắc lệnh của tổng thống Mỹ, Tổng thống Hassan Rouhani phát biểu trên truyền hình trực tiếp, cáo buộc ông Trump bày trò chính trị để lấy lòng dân Mỹ trước kỳ bầu cử quốc hội Mỹ giữa kỳ (tổ chức tháng 11 tới) đồng thời gieo rắc “hoảng loạn” ở Iran.
Ông Rouhani cũng bác đề nghị nói chuyện trực tiếp của ông Trump, vì Mỹ muốn tập trung vào việc chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân của Iran, cùng các hành xử gây bất ổn của Iran đối với kình địch Israel và các đồng minh Ả Rập của Mỹ.
Ông Rouhani nói: “Chúng ta luôn ủng hộ đối thoại và ngoại giao, nhưng đối thoại cần sự chân thành”.
Ngoại trưởng Javad Zarif của Iran viết Twitter: “Chính quyền Trump muốn thế giới tin họ lo ngại cho dân Iran. Nhưng đợt trừng phạt đầu tiên của Mỹ đã hủy giấy phép bán máy bay hơn 200 chỗ ngồi với lý do phi lý, gây nguy hiểm cho người dân Iran. Thói đạo đức giả của Mỹ là không biên giới”.
Cùng ngày 13.8, Đại sứ Mỹ tại Anh, ông Robert Johnson có một bài viết đăng trên báo The Telegraph (Anh) kêu gọi chính phủ Thủ tướng Theresa May cùng Mỹ tăng sức ép lên Iran, nếu không thì phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng”.
Bài viết của ông Johnson có đoạn vận động Anh “dùng thế lực ngoại giao đáng kể và tầm ảnh hưởng, cùng Mỹ dẫn đầu nỗ lực toàn cầu nhằm đạt đến một thỏa thuận toàn diện, đem lại hòa bình và thịnh vượng cho Iran mà toàn thế giới muốn chứng kiến”.
Vị Đại sứ cũng kêu gọi lãnh đạo doanh nghiệp Anh “về phe” với Mỹ, bất kể chính phủ Anh quyết định thế nào: “Tổng thống của chúng tôi đã nói rõ, rằng bất kỳ doanh nghiệp nào đặt quyền lợi thương mại của họ ở Iran lên trên cả thiện chí toàn cầu sẽ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ thương mại của họ với Mỹ”.
Bài viết của vị đại sứ bất kể mối “quan hệ đặc biệt” của Mỹ-Anh. Quyết định tái cấm vận Iran của ông Trump đã khiến Anh, Pháp và Đức (Nhóm E3) cùng EU ra tuyên bố chung, tỏ ý tiếc quyết định của ông Trump, nói JCPOA có hiệu quả trong việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran. Họ hứa đã có các giải pháp mới để bảo vệ các công ty châu Âu làm ăn hợp pháp với Iran khỏi những tác động của việc Mỹ lại cấm vận Iran.
EU nhấn mạnh JCPOA quan trọng đối với an ninh toàn cầu và cố gắng duy trì nguồn hỗ trợ tài chính và kinh tế cho Iran. Bà Nathalie Tocci, trợ lý của Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini, nói châu Âu sẽ áp lệnh trừng phạt đối với bất kỳ doanh nghiệp EU nào tuân thủ sức ép của chính phủ Mỹ.