Ảnh minh họa
Biển Đông đã trở thành một trong nhiều điểm nóng trong mối quan hệ đầy thử thách giữa Trung Quốc và Mỹ, với việc Washington bác bỏ yêu sách lãnh thổ mà nước này miêu tả là phi pháp của Bắc Kinh ở vùng biển chiến lược, giàu tài nguyên.
Bắc Kinh đang phản ứng gay gắt trước tuyên bố ngày 19/12 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price bày tỏ lo ngại về những đội tàu ngày một phình ra và leo thang hành động của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp và một sự cố liên quan đến một mảnh tên lửa trôi nổi trên biển.
Phát ngôn viên Price cho rằng các hành động của Trung Quốc "phản ánh việc nước này tiếp tục coi thường các bên tranh chấp khác ở Biển Đông và các quốc gia hoạt động hợp pháp trong khu vực". Ông Price nhắc lại rằng Mỹ sát cánh cùng Philippines trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Trong một tuyên bố được phát đi gần đây, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã tuyên bố rằng việc "các nước láng giềng có sự khác biệt là điều hết sức tự nhiên" nhưng nhấn mạnh thêm rằng “Mỹ tiếp tục can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông và cố gắng chia rẽ các nước trong khu vực, gây căng thẳng và làm tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực”.
“Những gì Mỹ đã làm không phải để giúp đỡ bất cứ ai mà để phục vụ lợi ích địa chính trị của chính họ", Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines tức giận chỉ trích
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với những vùng rộng lớn ở Biển Đông chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia và Philippines. Hàng nghìn tỷ đô la thương mại chảy qua tuyến đường biển này hàng năm và đây cũng là nơi cũng có các ngư trường và mỏ khí đốt phong phú.
Philippines tuần trước đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về "các báo cáo cho thấy" tàu Trung Quốc tập hợp với số lượng đông ở một bãi đá ngầm và bãi cạn bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Điều đó xảy ra vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Philippines gửi công hàm phản đối về việc một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc bị quân đội Philippines cáo buộc đã sử dụng vũ lực để lấy một mảnh tên lửa trôi nổi trên biển đang được một tàu Philippines lai dắt ở Biển Đông.
Trung Quốc đã phủ nhận việc họ dùng vũ lực lấy vật thể mà họ nói vào tháng trước là mảnh vỡ từ vỏ bảo vệ phần mũi của một con tàu vũ trụ do Bắc Kinh phóng.
Philippines cùng với một số quốc gia trong khu vực đang có cuộc tranh chấp căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ là đồng minh thân thiết hàng đầu của Philippines.
Khi Trung Quốc leo thang các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Mỹ cũng đã gia tăng áp lực với Trung Quốc bằng những lời chỉ trích, lên án công khai cùng với các hoạt động quân sự. Mỹ liên tục cho các tàu chiến đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý và tham lam của Bắc Kinh ở Biển Đông. Cùng với Mỹ, các nước như Anh, Nhật Bản, Ấn Độ... cũng đã có những động thái nhất định nhằm phản đối các đòi hỏi chủ quyền tham lam cũng như cách hành xử ngày một gân hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.