Theo AFP, ngày 15/3, Mỹ đã châm ngòi cho cuộc đấu khẩu với Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về "Sáng kiến Vành đai, Con đường" ( BRI ), cho rằng chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh có "những vấn đề rõ ràng" liên quan tới nạn tham nhũng và gánh nặng nợ nần.
Mỹ và Trung Quốc đang gây ra những cuộc đàm phán căng thẳng về một giải pháp đối với vấn đề Afghanistan, ép Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chấp nhận quyết định gia hạn tạm thời của phái bộ Liên hợp quốc tại đây trong sáu tháng thay vì một năm.
Sáng kiến đặc biệt quan trọng của Bắc Kinh, nhằm phát triển những tuyến đường thương mại mới thông qua các dự án cơ sở hạ tầng lớn như sân bay và đường xá, đã và đang bị luồng ý kiến chỉ trích cho là chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
Quyền Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Jonathan Cohen đã cáo buộc Trung Quốc về việc yêu cầu nghị quyết phải nêu bật BRI "bất chấp những mối liên quan không mang nhiều ý nghĩa thực chất của sáng kiến này với Afghanistan và có những vấn đề rõ ràng liên quan tới nạn tham nhũng, gánh nặng nợ nần, phá hoại môi trường và thiếu minh bạch."
Đáp lại lời chỉ trích từ phía Mỹ, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Ngô Hải Đào đã phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng những bình luận của ông Cohen "không đúng với sự thật và đầy thành kiến." Ông Ngô Hải Đào nhấn mạnh: "Đây là một sáng kiến về hợp tác kinh tế nhằm đạt được sự phát triển và thịnh vượng chung. BRI không liên quan tới địa chính trị."
Nghị quyết của Liên hợp quốc về phái bộ tại Afghanistan bao gồm một số từ ngữ liên quan tới hợp tác với BRI kể từ năm 2016. Phía Mỹ khẳng định rằng lời kêu gọi hợp tác với sáng kiến của Trung Quốc nên được xóa bỏ khỏi nghị quyết sau sự chỉ trích gay gắt hồi năm trước của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, người cho rằng BRI đã khiến nhiều quốc gia ngập trong nợ nần.
Mỹ đang tìm cách thách thức BRI nhưng sáng kiến này tiếp tục nhận được sự tán thành. Italy hôm 11/3 cho biết sẽ ký với Trung Quốc một biên bản ghi nhớ để chính thức ủng hộ BRI.
Ông Ngô Hải Đào cho biết tới nay đã có hơn 123 quốc gia ký hiệp định hợp tác với Trung Quốc thông qua sáng kiến này./.