Mặt khác, Mỹ cũng hoan nghênh “sự kiềm chế mới đây” của Triều Tiên, coi đây là bước đi đầu tiên có thể hướng tới những cuộc đàm phán trong tương lai về hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng. Liệu chính sách “cây gậy và củ cà rốt” này có giúp chính quyền Tổng thống Donald Trump xoay chuyển tình hình trên bán đảo Triều Tiên hay không?
Nhân dịp công bố chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có những phát biểu cho thấy thiện chí làm dịu căng thẳng với Triều Tiên, sau khoảng thời gian leo thang cao độ hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua.
Lập trường của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ được giới chuyên gia nhìn nhận là hoàn toàn khác xa so với cảnh báo nhấn chìm Triều Tiên trong “lửa giận dữ” của Tổng thống Donald Trump chỉ cách đây 2 tuần nếu Triều Tiên tiếp tục đe dọa nước Mỹ bằng những tham vọng hạt nhân.
Ngoại trưởng Rex Tillerson hi vọng, việc Triều Tiên ngừng kế hoạch tấn công đảo Guam là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của chính quyền Triều Tiên bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ trong tương lai gần.
Quan điểm này cũng được Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ chia sẻ: “Điểm khởi đầu quan trọng nhất là điểm khởi đầu ngoại giao. Vì vậy, chúng tôi hy vọng có thể giải quyết thách thức trên bán đảo Triều Tiên bằng con đường ngoại giao.”
Điều đáng nói là những tuyên bố có phần tích cực này đưa ra ngay sau thông báo của Bộ Tài chính Mỹ về các lệnh trừng phạt mới nhằm vào 16 công ty và cá nhân của Trung Quốc và Nga với cáo buộc có liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo, nước này sẽ tiếp tục gia tăng sức ép đối với Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt những người ủng hộ việc phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên cũng như cô lập họ khỏi hệ thống tài chính Mỹ.
Theo Chính phủ Mỹ, bước đi này hoàn toàn phù hợp với nghị quyết vừa được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra hôm 5/8 sau khi Triều Tiên tiến hành thử 2 quả tên lửa liên lục địa hồi tháng 7.
Trong một phản ứng đầu tiên, Đại Sứ quán Trung Quốc tại Mỹ tuyên bố, nước này tôn trọng hoàn toàn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên. Song Trung Quốc cũng phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương ngoài khuôn khổ của Hội đồng Bảo an, đồng thời kêu gọi Mỹ “sửa chữa sai lầm” ngay lập thức nhằm tránh gây tổn hại đến hợp tác song phương.
Cùng ngày, phát biểu tại Hội nghị giải trừ quân bị do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở Geneva, Thụy Sĩ, phái viên Triều Tiên Ju Yong Chol khẳng định, nước này sẽ không từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa liên lục địa vì đây là sự lựa chọn "thích hợp" để phòng vệ.
Bên cạnh đó, ông Ju Yong Chol còn nhấn mạnh Triều Tiên sẽ không bao giờ đàm phán về kho vũ khí hạt nhân phòng vệ của nước này.
“Có nhiều quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới, song Mỹ lại là nước duy nhất đặt ra những mối đe dọa hạt nhân với Triều Tiên.
Những biện pháp mà chúng tôi tiến hành nhằm tăng cường năng lực hạt nhân và phát triển tên lửa liên lục địa là hoàn toàn dễ hiểu và là một lựa chọn hợp háp nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trước những mối đe dọa thực sự”, ông Ju Yong Chol nói.
Trên thực tế, chính quyền Mỹ, kể cả dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và hiện nay là Tổng thông Donald đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, từ việc gia tăng các biện pháp trừng phạt đến triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại Hàn Quốc hay chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc để buộc nước này gây sức ép với Triều Tiên song đều không đạt kết quả.
Hồi cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua, căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ đã gia tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, thậm chí còn bị đẩy tới bờ vực một cuộc chiến tranh.
Dù tình hình căng thẳng đã "hạ nhiệt" sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố tạm hoãn, song tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn như thùng thuốc súng có thể phát nổ bất cứ lúc nào./.