Các thùng vaccine ngừa Covid-19 của Sinopharm do Trung Quốc tài trợ được đưa xuống từ máy bay tại sân bay quốc tế Damascus ở Syria ngày 24/4/2021. Ảnh: Getty
Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng lên trên một mặt trận mới, đó là ngoại giao vaccine Covid-19.
Trung Quốc là nước cung cấp số lượng lớn vaccine ngừa Covid-19 cho các nước đang phát triển, một động thái mà các chuyên gia cho rằng có giúp thể gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc và thắt chặt quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước khác.
Tuy nhiên, chuyên gia chính sách và quản lý y tế Yanzhong Huang nói với CNBC rằng, Mỹ giờ đây đang bắt kịp Trung Quốc, trong bối cảnh Nhà Trắng đã đặt ra các kế hoạch viện trợ hàng triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho nước ngoài.
Mỹ đang tăng tốc và sẽ bắt kịp cuộc đua
“Chúng ta sẽ thấy Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh đáng gờm hơn”, nghà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng đối ngoại (Mỹ) Yanzhong Huang nói với CNBC.
Trong những tháng qua, Trung Quốc “gần như không có đối thủ” trong ngoại giao vaccine khi gửi hàng triệu liều vaccine ngừa Covid-19 tới các nước khác, theo bà Huang, một giáo sư tại trường Ngoại giao và Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Seton Hall. Đặc biệt là khi Ấn Độ đã dừng xuất khẩu vaccine để ưu tiên nhu cầu trong nước, còn số lượng vaccine mà Nga cung cấp cho các nước khác vẫn còn hạn chế.
Trong khi đó, thời gian gần đây có nhiều thông tin tích cực cho thấy, Mỹ đang tăng tốc các nỗ lực chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu.
Trong bài phát biểu tại thượng định G-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tuyên bố kế hoạch mua thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer để chia sẻ với các nước khác thông qua cơ chế COVAX.
Nhà Trắng trước đó đã công bố kế hoạch chia sẻ 80 triệu liều vaccine trên toàn cầu thông qua COVAX trong tháng 6 này.
Ngoài ra, theo CNBC, chính quyền Biden cũng đang đàm phán với Morderna để đảm bảo có thêm vaccine ngừa Covid-19 cung cấp cho thế giới.
Theo các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer và Moderna có hiệu quả cao hơn – đều ở mức trên 90% - so với các loại vaccine do Trung Quốc sản xuất.
Có nhiều câu hỏi đặt ra về hiệu quả của vaccine Trung Quốc khi các nước trong đó có Bahrain và Chile đều ghi nhận sự gia tăng số ca mắc Covid-19 mặc dù đã tiêm chủng cho người dân nhanh chóng hơn so với nhiều nước khác.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đầu tháng này nói rằng, các nghiên cứu cho thấy vaccine Sinovac của Trung Quốc có hiệu quả ngăn ngừa các triệu chứng của Covid-19 ở 51% số người đã được tiêm chủng, ngăn chặn các triệu chứng nặng và nguy cơ nhập viện tới 100% số người được nghiên cứu.
Vấn đề không chỉ nằm ở việc chia sẻ vaccine
Các chuyên gia và các quan chức y tế tại châu Á hoan nghênh kế hoạch chia sẻ 500 triệu liều vaccine Pfizer cho các nước đang phát triển, nhưng một số người cho rằng, vấn đề không đơn thuần chỉ nằm ở việc viện trợ vaccine nhằm thu hẹp khoảng cách tiêm chủng đang đe dọa kéo dài đại dịch Covid-19.
Jaehun Jung, giáo sư tại Đại học y tế Gachon của Hàn Quốc nói rằng, việc Mỹ viện trợ vaccine là một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc các liều vaccine của Pfizer đòi hỏi bảo quản ở nhiệt độ lạnh cực sâu lại là một thách thức không nhỏ đối với những nước có hệ thống yếu kém nếu họ được nhận loại vaccine này.
Theo nguồn tin của AP, chính quyền Biden có kế hoạch cung cấp 500 triệu liều vaccine Pfizer cho 92 nước có thu nhập thấp hơn và Liên minh châu Phi trong năm tới thông qua COVAX.
Mỹ đã đối mặt với sức ép toàn cầu trong việc phải công bố kế hoạch chia sẻ vaccine trên toàn cầu. Sự bất bình đẳng trong nguồn cung trên thế giới ngày càng trở nên rõ rệt trong khi mối lo ngại ngày càng tăng về các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Jeong Eun-kyeong, Giám đốc Cơ quan ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc cho rằng, sự thành công trong kế hoạch chia sẻ vaccine của ông Biden còn phụ thuộc vào việc các liều vaccine sẽ được sản xuất và gửi tới những nước đang thiếu vaccine như thế nào.
Bà cũng bày tỏ lo ngại về điều kiện bảo quản đối với vaccine của Pfizer, và cho rằng viện trợ của Mỹ nên đi kèm với các nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân viên y tế ở các nước tiếp nhận.
Mỹ vẫn chưa xác nhận cụ thể 92 nước sẽ được nhận vaccine Pfizer.
Tại châu Á, ông Jung nói rằng, Ấn Độ và Đông Nam Á đều đang rất cần vaccine viện trợ khi phải đối mặt với làn sóng Covid-19 hiện nay.
Một số chuyên gia nói rằng, chỉ viện trợ vaccine thôi sẽ không đủ để thu hẹp khoảng cách trong nguồn cung, mà cần phải chuyển giao công nghệ để các công ty chất lượng trên khắp thế giới có thể tự sản xuất vaccine mà không vấp phải rào cản từ quyền sở hữu trí tuệ.
Dù vậy, giáo sư Jung nói rằng nhiều nước đang phát triển vốn phụ thuộc vào viện trợ của COVAX cũng không có nguồn lực công nghiệp để sản xuất các loại vaccine tiên tiến như vaccine công nghệ mRNA của Pfizer.
Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang phải chật vật tìm nguồn vaccine, không thể đàm phán được các thỏa thuận song phương với các công ty tư nhân như Pfizer, nhiều nước đã tìm đến Trung Quốc. Theo Bộ ngoại giao Trung Quốc, nước này đã xuất khẩu 350 triệu liều vaccine tới các nước trên thế giới.
Trung Quốc cam kết ủng hộ 10 triệu liều cho COVAX. Sinopharm tuần trước cũng nói rằng công ty dược phẩm này này đã hoàn thành một lô vaccine để chia sẻ với COVAX. WHO cũng đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của Sinopharm hồi tháng trước.
Dù vaccine Trung Quốc đối mặt với nhiều hoài nghi do thiếu minh bạch trong chia sẻ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, nhưng nhiều nước vẫn quyết định sử dụng loại vaccine nào có sẵn và dễ dàng tiến hành tiêm chủng hơn, nhất là nếu loại vaccine đó có thể bảo quản trong tủ lạnh thông thường./.