Theo tuyên bố của Không quân Mỹ, 6 máy bay trên chở theo 300 thành viên phi hành đoàn, đã nhập vào nhóm 3 máy bay ném bom tàng hình B-2 của Không quân Mỹ mới được triển khai tới Guam, nơi đặt căn cứ Không quân Andersen, một tiền đồn chủ chốt của Mỹ trên Thái Bình Dương.
Căn cứ này hiện cũng có một số máy bay ném bom hạng nặng B-1B. Trong khi cả B-52 và B-2 đều có thể mang vũ khí hạt nhân, song B-1B đã được cải tiến chỉ để mang vũ khí thông thường.
Thông báo của Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương nêu rõ, việc triển khai nói trên được tiến hành "nhằm hỗ trợ sứ mệnh liên tục hiện diện máy bay ném bom của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ". Tuy nhiên, động thái này nhiều khả năng sẽ khiến Triều Tiên, nước từng nhiều lần đe dọa tấn công Guam bằng tên lửa đạn đạo, lên tiếng phản đối.
Lần gần đây nhất các máy bay B-52 được triển khai đến Guam là vào tháng 7/2016, khi đó các máy bay này đã tiến hành một loạt sứ mệnh huấn luyện chung và song phương với Hải quân, thủy quân lục chiến, Lực lượng Phòng không Mỹ, Không quân Hàn Quốc và Không quân Hoàng gia Australia.
Bước đi này của Mỹ, vốn được nhiều người coi là một hoạt động phô trương sức mạnh, có khả năng nhằm trấn an các đồng minh châu Á đang lo lắng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
Tuyên bố của Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương cho rằng, việc triển khai những vũ khí chiến lược này thể hiện cam kết liên tục của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hiện chưa rõ những pháo đài bay trên sẽ lưu lại bao lâu ở Guam - nơi cách Triều Tiên khoảng 3.400km.