Mỹ-TQ sẽ chuyển giao quyền lực hay "cộng sinh lỏng lẻo" nhằm duy trì trật tự hiện thời?

Minh Đức |

Cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể và không sẵn sàng đầu tư vào quá trình hiện đại hóa trật tự hiện thời, chuyên gia RAND Ali Wyne phân tích trên Diplomat.

6 khả năng phát triển quan hệ Mỹ-Trung

Trong 40 năm kể từ khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc đã phát triển từ một nước nghèo đói về kinh tế thành một thế lực đáng gờm, được thúc đẩy từ động lực địa chính trị và nỗi nhớ tiếc về một thời hoàng kim đã xa.

Trước tốc độ và quy mô trỗi dậy của Trung Quốc, Washington ngày càng có xu hướng mô tả Trung Quốc bằng những khái niệm mang tính đối kháng. Trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện, người đứng đầu bộ phận phản gián của FBI đã cảnh báo rằng: "Sự phát triển về kinh tế đang giúp Trung Quốc thay Mỹ trở thành siêu cường thế giới".

Tất nhiên, có nhiều con đường mà quan hệ Mỹ - Trung có thể phát triển nếu Trung Quốc đặt mục tiêu thay thế Mỹ để giành vị thế số 1 thế giới. Giới bình luận chính trị thế giới tập trung vào 4 khả năng: Trung Quốc thành công hoặc thất bại, cùng với sự hiện diện hoặc không của xung đột vũ trang.

Nhiều nhà phân tích tin rằng vẫn có khả năng Bắc Kinh sẽ vượt qua Washington trở thành cường quốc thế giới, như lịch sử hiện đại đã diễn ra cuộc lật đổ ngoạn mục Vương quốc Anh của Mỹ để trở thành siêu cường thế giới hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 - một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình.

Mỹ-TQ sẽ chuyển giao quyền lực hay cộng sinh lỏng lẻo nhằm duy trì trật tự hiện thời? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: SCMP

Một số nhà quan sát thảo luận về khả năng thứ 5: một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới". Mặc dù bóng dáng của một cuộc cạnh tranh đa diện, kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc đang thành hình nhưng sẽ là vội vã nếu loại trừ khả năng cộng sinh dài hạn giữa hai bên.

Hai nước này có mối quan hệ trao đổi về kinh tế, văn hóa và hiện nay, có vẻ chấp nhận sự tồn tại lâu dài của nhau, hơn là nhắm tới khả năng tan rã. Ngược lại, các lãnh đạo Mỹ và Liên Xô từng tư duy một cách gay gắt hơn nhiều.

Có một khả năng thứ 6 mà các nhà quan sát xem xét: Sự chung sống không thoải mái, lỏng lẻo giữa Mỹ và Trung Quốc, mà trong đó vẫn tồn tại tình trạng căng thẳng sâu sắc nhưng thi thoảng vẫn có hợp tác một cách miễn cưỡng.

Biến thể của hệ thống bất ổn cách đây 9 thập kỷ

Washington có nhiều lợi thế cạnh tranh so với Bắc Kinh: vị trí địa lý thuận lợi, năng lực quân sự đáng gờm, triển vọng nhân khẩu có lợi, hệ sinh thái giáo dục cao và sáng tạo công nghệ năng động, cùng với khả năng tự cung tự cấp năng lượng ngày càng phát triển.

Washington cũng đóng vai trò trung tâm trong một trật tự thời hậu chiến mà tới nay vẫn còn là một bộ khung tổ chức trung tâm trong các vấn đề quốc tế.

Tuy nhiên, nước Mỹ hai năm qua đã chứng kiến sự rối loạn chức năng chính trị ở trong nước, đồng thời thể hiện là một nhân tố không ổn định trong mắt đồng minh và đối tác. Sự không chắc chắn này có thể hạn chế khả năng của Mỹ trong việc tập hợp lực lượng để đối phó với các thách thức toàn cầu.

Trung Quốc dường như đã sẵn sàng khỏa lấp khoảng trống do Mỹ để lại. Nền kinh tế nước này đã tăng từ chưa đầy 2% tổng sản phẩm thế giới (GWP) năm 1978 lên hơn 15% tại thời điểm hiện tại, và đang trên đà vượt Mỹ về quy mô tổng thể trước năm 2050.

Là quốc gia giao thương và nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc tạo ra khoảng 1/3 giá trị tăng trưởng toàn cầu.

Quân đội Trung Quốc đã hiện đại hóa tới mức, "đến năm 2035, nếu không phải trước đó, quân đội Trung Quốc có thể sẽ cạnh tranh với các hoạt động của Mỹ ở toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương" - Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung kết luận.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có những bất lợi nhất định. Bắc Kinh có đường biên giới tiếp giáp với 14 nước, trong đó nhiều nước không ổn định. Theo nhà nghiên cứu quốc phòng Timothy Heath của Viện nghiên cứu RAND, khả năng phô bày năng lực quân sự của Trung Quốc bị hạn chế bởi hệ thống chỉ huy và tình trạng tham nhũng. Ngoài ra, Trung Quốc có rất ít các đồng minh thực sự.

Và có lẽ quan trọng nhất là Trung Quốc không thể hiện nhiều tham vọng với việc thay thế vị trí siêu cường số 1 của Mỹ. Mặc dù mở rộng quy mô toàn cầu nhưng chính sách ngoại giao của Bắc Kinh vẫn mang tính hạn hẹp về mục tiêu. Họ dường như chủ yếu nhắm tới mục tiêu duy trì tăng trưởng và củng cố vị trí trung tâm của mình ở châu Á - Thái Bình Dương.

Nhà kinh tế học Charles Kindleberger năm 1973 đã quan sát thấy rằng: Sở dĩ cuộc Đại khủng hoảng kéo dài là bởi "hệ thống kinh tế quốc tế được kiến tạo đầy bất ổn do Anh thiếu năng lực, còn Mỹ thì không sẵn sàng nhận trách nhiệm bình ổn nó".

Có thể chúng ta đang chứng kiến một biến thể của tình trạng này sau 9 thập kỷ, khi mà quốc gia hàng đầu lẫn đối tượng thay thế đều không thể và không sẵn sàng đầu tư vào quá trình hiện đại hóa trật tự hiện thời.

Bất mãn trước sự khó đoán trong chính sách của Mỹ, cùng với tham vọng của Trung Quốc và việc hai bên không sẵn sàng nhượng bộ để hóa giải bế tắc chiến lược của mình, các nước "ở giữa" có thể đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh trật tự toàn cầu phù hợp với thực tế hiện tại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại