“Cuộc tấn công này có quy mô toàn cầu và gây ra thiệt hại hàng tỉ USD, và Triều Tiên là nước có trách nhiệm trực tiếp gây ra vụ việc”, ông Tom Bossert, cố vấn an ninh nội địa của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên báo Wall Street Journal.
"Triều Tiên đã có những hành động không đúng đắn trong hơn một thập kỷ qua, và những hành xử của họ đang ngày càng manh động hơn. Vụ tấn công WannaCry là một hành động liều lĩnh của họ", ông Bossert viết thêm.
Một quan chức Mỹ giấu tên cũng tiết lộ, chính phủ Mỹ tuyên bố rằng một nhóm hacker mang tên Lazarus Group, hoạt động theo lệnh của chính phủ Triều Tiên, đã phát tán WannaCry ra toàn thế giới.
Lazarus Group cũng được cho là đã tiến hành vụ xâm nhập vào hệ thống máy tính của hãng Sony Pictures Entertainment, khiến hàng loạt dữ liệu bị hủy hoại, thông tin trao đổi giữa các giám đốc bị lộ ra ngoài và nhiều người đã bị cách chức. Triều Tiên đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc trên.
Vị quan chức này cũng nói thêm rằng, cáo buộc của Mỹ không nhằm vào bất kỳ nhân vật cụ thể nào và được thực hiện nhằm buộc Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình, động thời “ngăn cản nước này tiến hành tấn công”.
Các cáo buộc trên được đưa ra trong bối cảnh chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang trở thành nỗi lo lớn của nhiều nước.
Trước đó, nhiều hãng nghiên cứu an ninh, trong đó có công ty Symantec và chính phủ Anh đã kết luận rằng Triều Tiên có thể là nước gây ra vụ tấn công WannaCry, khiến hơn 300.000 máy tính ở 150 nước bị nhiễm vào tháng 5 vừa qua.
Vụ tấn công đã khiến hệ thống máy tính của nhiều bệnh viện ở Anh điêu đứng, khiến hàng ngàn bệnh nhân phải đổi lịch thăm khám. Nhiều doanh nghiệp khác trên thế giới cũng bị ảnh hưởng bởi mã độc này. Một khi máy tính bị nhiễm, WannaCry yêu cầu người sử dụng phải trả tiền để lấy lại các dữ liệu cá nhân trong đó. Có chuyên gia cho rằng chương trình này thực chất là nhằm che mắt cho những hành động xâm nhập nghiêm trọng hơn.
Tập đoàn FedEx là một trong những doanh nghiệp lớn chịu thiệt hại nặng nhất vì WannaCry. FedEx tuyên bố vào tháng 9 rằng họ đã thiệt hại 300 triệu USD lợi nhuận sau vụ tấn công này.
Một số nhà nghiên cứu cho biết họ tin WannaCry được phát tán một cách tình cờ khi Triều Tiên đang viết chương trình xâm nhập của riêng mình. Về điều này, vị quan chức người Mỹ giấu tên không đưa ra bình luận nào, song người này nói rằng: “Chúng ta đang thấy một loạt những hành động thiếu kiềm chế của Triều Tiên, bao gồm xâm nhập và tấn công mạng để phục vụ lợi ích tài chính hoặc phá hoại cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới”.
WannaCry vốn là một chương trình xâm nhập do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) phát triển, sau khi cơ quan này phát hiện một lỗ hổng trong hệ điều hành Windows. Điều này đã khiến chủ tịch tập đoàn Microsoft Brad Smith cùng nhiều người khác lên tiếng chỉ trích, và yêu cầu NSA tiết lộ các thông tin cần thiết để khắc phục vấn đề.
Ông Smith nói rằng WannaCry là “một minh chứng nữa cho thấy những tác hại của việc phát triển nhiều loại phần mềm độc hại theo yêu cầu của chính phủ”. Các quan chức Mỹ đã bác bỏ quan điểm này và nói rằng họ đã thông báo phần lớn những lỗ hổng an ninh mạng mà họ đã phát hiện được.