Đây là một cách Mỹ cắt dòng tiền mà Iran đang dùng để tài trợ cho hoạt động của lực lượng Al-Quds (QF) phụ trách mảng chiến đấu ở nước ngoài của IRGC.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cáo buộc Thống đốc Valiollah Seif “lén lút chuyển tiền” cho QF, thông qua ngân hàng Al-Bilad Islamic (ở Iran) để “làm giàu và ủng hộ hoạt động cực đoan bạo lực của Hezbollah” - một tổ chức vũ trang Lebanon đang phụ giúp quân đội Iran chiến đấu giúp bảo vệ chính phủ Tổng thống Bashar Al Assad của Syria.
Mỹ đã xếp Hezbollah vào danh sách đen các tổ chức khủng bố. Bộ trưởng Mnuchin nói quyết định này ngăn chặn Iran sử dụng một mạng lưới ngân hàng nhạy cảm.
Trong tuyên bố của Bộ Tài chính có viết: “Thật kinh hoàng nhưng không bất ngờ, quan chức ngân hàng cấp cao nhất Iran âm mưu với QF và IRGC để tạo điều kiện dễ dàng việc chuyển tiền cho những tổ chức khủng bố như Hezbollah và phá hoại bất kỳ sự tín cậy nào vào điều ông ta có thể tuyên bố ở vai trò thống đốc ngân hàng trung ương là bảo vệ tính minh bạch của cơ quan do ông ta đứng đầu”.
Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa vào danh sách đen ông Ali Tarzali, Phó ban quốc tế của Ngân hàng trung ương Iran và ông Aras Habib, người lãnh đạo ngân hàng Al-Bilad Islamic.
Tuyên bố nêu ông Habib có lịch sử “chuyển lậu tiền cho các tổ chức Iraq được Iran ủng hộ” và “giúp IRGC cùng QF lợi dụng lĩnh vực ngân hàng Iraq để chuyển tiền từ Iran đến Hezbollah, phá hoại tính minh bạch của hệ thống tài chính Iraq”.
Bộ Tài chính Mỹ nói lệnh trừng phạt sẽ không lập tức tác động đến các cuộc giao dịch của Ngân hàng trung ương Iran, nhưng lệnh trừng phạt được tái áp đặt sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA sẽ tác động đến các cuộc giao dịch bằng USD do Ngân hàng trung ương Iran thực hiện, kể từ ngày 7.8.2018 tới.
Ngày 8.5, Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (JCPOA).
Ngày 10.5, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt 6 cá nhân và 3 công ty Iran bị cáo buộc chuyển hàng triệu USD cho IRGC và QF. Toàn bộ tài sản và lợi ích tài sản của nhóm bị trừng phạt sẽ bị hệ thống tư pháp Mỹ phong tỏa và công dân Mỹ bị cấm giao dịch với nhóm này.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết đang làm việc với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bộ trưởng Munchin cáo buộc “Iran và ngân hàng trung ương đã lợi dụng các thực thể bình phong ở UAE, tiến hành các hoạt động thu gom USD nhằm tài trợ cho các hoạt động hiểm ác của IRGC, QF như hỗ trợ và vũ trang các nhóm chân rết của Iran trong khu vực".
Trong chuyến đi châu Âu để bàn việc Mỹ rút khỏi JCPOA hôm 15.5, Ngoại trưởng Javad Zarif của Iran nói lệnh trừng phạt Thống đốc Seif là phi pháp.
Các ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức gặp ông Zarid để tìm cách cứu JCPOA, nhưng cũng muốn các công ty của nước mình vẫn có thể tiếp tục làm ăn với Iran, một khi Mỹ bắt đầu tái cấm vận Iran.
Giáo chủ Ali Khamenei, nhà lãnh đạo tối cao của Cộng hòa Hồi giáo Iran, đã cảnh báo việc quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA là một quyết định sai lầm.
IRGC hiện là tổ chức an ninh quyền lực nhất ở Iran, kiểm soát nhiều mảng trong nền kinh tế và có ảnh hưởng lớn nơi hệ thống chính trị.