Cụ thể, Sputnik đưa tin, Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton đã đăng trên Twitter hình ảnh vệ tinh của tàu Adrian Darya 1 (trước đây là Grace 1) cho thấy tàu chở dầu này neo đậu cách bờ biển căn cứ hải quân Tartus phía Tây Syria khoảng hai hải lý.
Trong đoạn tweet, ông Bolton chỉ trích những người “đã mù quáng” khi cho rằng con tàu này không tới Syria, đồng thời cáo buộc Iran “vì nước này cho rằng việc hỗ trợ cho chính quyền Assad còn quan trọng hơn chính người dân Tehran”.
“Chúng ta có thể đối thoại nhưng Iran sẽ không được dỡ bỏ bất kỳ lệnh cấm vận nào cho đến khi nước này ngừng nói dối và lan truyền chủ nghĩa khủng bố”, ông Bolton nói thêm.
Trước đó, hồi đầu tuần, tàu Adrian Darya 1 được cho là đã tới khu vực giữa đảo Síp và Syria rồi tắt thiết bị định vị. Hoa Kỳ đã đe dọa sẽ trừng phạt bất kỳ quốc gia nào trong khu vực cho con tàu neo đậu.
Washington liên tiếp cáo buộc Tehran “phá vỡ cam kết” khi cho phép tàu Grace 1 tới Syria sau khi được giới chức Gibraltar thả tự do hồi tháng trước. Tuy nhiên, Iran phủ nhận mọi cáo buộc nói trên.
Thêm vào đó, Tehran khẳng định sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu tới “tất cả và bất kỳ người mua nào”, cho dù Washington có thích hay không, đồng thời cảnh báo Mỹ rằng mọi nỗ lực đưa ngành xuất khẩu dầu mỏ Iran “xuống bằng 0” sẽ thất bại.
Trong một diễn biến khác, theo người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran, nước này đã tái khởi động 40 máy ly tâm tốc độ cao tại cơ sở làm giàu uranium. Đây là bước đi thứ ba trong tiến trình giảm bớt các cam kết của Tehran đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
“Chúng tôi đã bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế trong chương trình nghiên cứu và phát triển mà thỏa thuận hạt nhân đề ra” ông Behrouz Kamalvandi cho biết, đồng thời nói thêm rằng Tehran sẽ “phát triển thêm các máy ly tâm hiện đại và tốc độ cao”.
Người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran cũng nhấn mạnh “nếu các bên khác không tiếp tục thực hiện các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân 2015, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện JCPOA, thì Tehran sẽ đảo ngược tất cả các bước”.
Mỹ bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran từ ngày 8/5/2018, sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Một năm sau, Tehran tuyên bố “treo” một phần các cam kết trong JCPOA và cho các nước tham gia ký kết 60 ngày để cứu thỏa thuận.
Khi hết thời gian 60 ngày, Iran bắt đầu làm giàu uranium vượt ngưỡng 3,67% và cảnh báo rằng Tehran sẽ dần dần rút khỏi các cam kết sau 60 ngày tiếp theo.