Theo Đài RFI (Pháp), hôm thứ Hai 26/09/16, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter đã giải thích quyết định này khi tới Minot, Bắc Dakota, một trong ba căn cứ có bố trí tên lửa 400 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân xuyên lục địa Minuteman III.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố: "Bây giờ, chúng ta bắt đầu khắc phục những thập kỷ không chú trọng đầu tư vào lực lượng răn đe hạt nhân".
Cũng theo ông Carter, Mỹ sẽ đầu tư vào các tàu ngầm bắn tên lửa mới trong những tháng tới đây và hiện đại hóa bom nguyên tử B-61, hoặc chế tạo tên lửa đạn đạo mới.
Cho dù trong một bài diễn văn nổi tiếng ở Praha, Tổng thống Barack Obama đã khẳng định duy trì mục tiêu một thế giới không vũ khí hạt nhân nhưng ông Carter giải thích rằng nước Mỹ không muốn giảm sức mạnh phòng vệ hạt nhân, do các "kẻ thù tiềm tàng" của nước Mỹ vẫn tiếp tục đầu tư phát triển thứ vũ khí này.
Ông Carter nhấn mạnh: "Chúng ta đã không chế tạo gì mới từ 25 năm nay nhưng các nước khác thì có, trong đó có Nga, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và kể cả Iran trong một thời gian nhất định".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo: "Moskva đặc biệt khiến Lầu Năm Góc lo ngại về việc "diễu võ dương oai" bằng vũ khí hạt nhân. Có thể là nhà chức trách Nga hiện giờ không còn khả năng kềm chế tốt như các nhà lãnh đạo của Liên Xô cũ".
Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công khai tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong các chiến dịch.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter tại căn cứ Minot, Bắc Dakota, ngày 26/09/2016
Chi phí tăng cao
Theo các chuyên gia, chi phí để hiện đại hóa toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Mỹ trong những thập niên tới sẽ lên tới cả nghìn tỷ USD. Mức chi phí này cao tới mức Mỹ không thể cáng đáng được, trong khi cũng đang phải đầu tư một khoản tiền khổng lồ để hiện đại hóa các loại vũ khí thông thường.
Chính vì thế, Mỹ sẽ phải lựa chọn và từ bỏ một số thành phần trong lực lượng răn đe hạt nhân, chẳng hạn các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tuần trước, ông Adam Smith, đại diện đảng Dân Chủ đã giải thích: "Đơn giản là chúng ta không thể chi trả cho việc chế tạo tên lửa Minuteman III mới". Ông Smith nhấn mạnh rằng trong ba thành phần răn đe hạt nhân thì lực lượng răn đe hạt nhân trên bộ là ít hữu ích nhất.
Ông Adam Smith đánh giá rằng Trung Quốc, một cường quốc quân sự mới nổi, cho dù có ít vũ khí hạt nhân hơn Mỹ nhưng rất tự hào về khả năng răn đe hạt nhân của họ.
Nhưng Không quân Mỹ, lực lượng chịu trách nhiệm về tên lửa Minuteman III thì khẳng định việc sở hữu tên lửa xuyên lục địa mới là rất quan trọng, vì ngày càng khó tìm được các linh kiện thay thế cho các tên lửa cũ, với các phiên bản đầu tiên được chế tạo từ tận những năm 1960.
Giờ đây, nhiều nhà cung cấp cũ không còn tồn tại. Có tin đồn là thậm chí Không quân Mỹ đã phải tìm mua linh kiện thay thế trên trang mạng Ebay hoặc các trang internet khác.
Tinh thần xuống thấp
Sự cũ kỹ của các trang thiết bị không phải vấn đề duy nhất mà lực lượng răn đe hạt nhân trên bộ phải đối diện.
Trong những năm qua, Không quân Mỹ đã phải dùng nhiều biện pháp mạnh mẽ để vực dậy tinh thần cho các sĩ quan công tác tại căn cứ tên lửa chiến lược.
Họ cảm thấy công việc nhàm chán và không còn tự hào như sau khi kết thúc Thế Chiến II. Hàng trăm quân nhân của các đơn vị này đã bị bắt quả tang khi gian lận trong các bài kiểm tra đánh giá, nhiều quân nhân còn dùng ma túy.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tuyên bố: "Tôi biết tại sao các vị lại có cảm giác là dân chúng không còn nghĩ nhiều tới nhiệm vụ của các vị nữa, nhưng các vị có thể tự hào về những việc các vị làm hàng ngày cho đất nước".
Ông Carter đã đề cập tới việc áp dụng các biện pháp để cải thiện điều kiện sinh hoạt của các nhân viên làm việc tại các căn cứ tên lửa, chẳng hạn như bổ sung thêm các loại tiền thưởng, bố trí các khu thể thao phục vụ 24/24 giờ.
Tên lửa Minuteman III được bố trí tại 3 căn cứ tại Mỹ, đó là căn cứ Minot ở Bắc Dakota, Mulmstrom ở Montana và Warren ở Wyoming.