Mỹ đang cân nhắc một chiến lược duy trì hiệp định hạt nhân từ thời Obama sắp hết hạn trong khi theo đuổi một thỏa thuận vũ trang rộng hơn với cả Nga và Trung Quốc - mạng tin Politico dẫn lời các quan chức và cựu quan chức trong chính quyền Trump cho biết.
Theo kế hoạch này, Nhà Trắng sẽ tạm thời gian hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (STAR-3), đồng thời tìm kiếm một thỏa thuận với Moskva theo hướng thuyết phục Trung Quốc cùng tham gia đàm phán.
Mô thức ngoại giao này đang được Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ rà soát, coi đây như là một cách thức có triển vọng để duy trì START-3 sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, đẩy Nga chấp thuận – ít nhất là về nguyên tắc, một thỏa thuận toàn diện hơn về hạn chế vũ khí hạt nhân.
START-3 là một trong số ít hiệp định còn hiệu lực giúp kiểm soát các kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Nhưng cả phe Cộng hòa và Dân chủ đều ngày một quan ngại trước khả năng Tổng thống Donald Trump có thể từ bỏ thỏa thuận này, như cách ông đã từng làm với Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga hay Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Cách tiếp cận tiềm năng này thu hút được sự chú ý trong vài tuần gần đây, khi Nhà Trắng đối diện với chỉ trích ngày một lớn, rằng mục tiêu của ông Trump về đàm phán một hiệp định hạt nhân mới với cả Moskva và Bắc Kinh trước khi START-3 hết hiệu lực là không khả thi. Một khi thất bại, sẽ xuất hiện nguy cơ kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân quy mô lớn.
Theo Jon Wolfsthal, cựu quan chức chuyên giám sát chính sách hạt nhân tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Obama, việc gia hạn thêm 6 tháng để có thêm thời gian thảo luận về một thỏa thuận mới với Nga và kêu gọi Trung Quốc cùng tham gia không phải là một ý tưởng tồi. Đó có thể là cách để xử lý vấn đề tưởng chừng không có lối thoát, mở đường để chính quyền mới tại Mỹ có thêm không gian gia hạn START-3.
Cuối năm 2019, Nga tuyên bố sẵn sàng gia hạn START-3 thêm 5 năm mà không cần điều kiện tiên quyết. Về phần mình, chính quyền ông Trump đến thời điểm này vẫn khẳng định hiệp ước này có nhiều thiếu sót, không bao quát một loạt các vũ khí hạt nhân có trong kho của Nga, ví như các đầu đạn chiến thuật. Ông Trump muốn thay thế START-3 bằng một thỏa thuận mới toàn diện hơn, bao gồm cả các biện pháp chứng thực, giám sát.
Các quan chức Mỹ cho biết, thành tố đầu tiên trong đang được xem xét kĩ lưỡng sẽ là gia hạn hiệu lực cho START-3, nhưng chỉ với một thời gian tương đối ngắn, nằm trong quy định cứng của START-3 là không được gia hạn quá 5 năm, tức chỉ đến năm 2016. Theo Wolfsthal, một vấn đề lớn nằm ở chỗ liệu hiệp ước có được gia hạn đúng luật không nếu Mỹ và Nga không đạt được đồng thuận về các bước tiếp theo trước khi STARR-3 hết hiệu lực.
Một cựu quan chức từng theo dõi sát chính sách hạt nhân của Mỹ nhìn nhận, ít có khả năng Mỹ muốn có một thỏa thuận chính thức. Thay vào đó chính quyền Trump muốn có một thỏa thuận danh dự (Gentleman's agreement). Đó có thể là việc gia hạn thêm một đến hai năm, một văn bản chính thức, nhưng có thể chỉ là về nguyên tắc, không có tính ràng buộc pháp lý. Cách tiếp cận này phần nào đó cũng được thể hiện qua phát biểu của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, khi nói rằng “không nhất thiết phải xem đó là một hiệp ước START Mới”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Trump hy vọng sẽ sớm khởi động các cuộc đàm phán với Nga, đồng thời nhắc lại lời mời Trung Quốc tham gia tiến trình thảo luận này. “Nga đã tuyên bố không có điều kiện tiên quyết cho việc gia hạn… Tháng 12/2019, Mỹ chính thức gửi lời mời thiện chí tới Trung Quốc về khởi động đối thoại an ninh chiến lược về giảm nguy cơ hạt nhân, kiểm soát vũ trang. Chúng tôi hy vọng sẽ bắt đầu việc này sớm nhất có thể. Mỹ vẫn chờ phản ứng của Bắc Kinh”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Tuy nhiên, theo ông Wolfsthal, thách thức lớn nhất hiện nay chính là việc liệu giới chức Nhà Trắng có thuyết phục được Tổng thống Trump đi bước đầu tiên về chấp nhận gia hạn hiệp ước ký từ thời ông Obama hay không.