Giới phân tích cho rằng Mỹ có thể xem động thái trên của Hàn Quốc là một thất bại đối với các nỗ lực của Washington đẩy nhanh triển khai toàn bộ hệ thống THAAD.
Phát biểu với Yonhap, người phát ngôn của Lầu Năm Góc Gary Ross cho biết: "Mỹ tin tưởng lập trường chính thức của Hàn Quốc trong việc triển khai THAAD và quyết định này sẽ không bị đảo ngược," theo đó Washington sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Seoul để thúc đẩy hoạt động này.
Ông Gary Ross cũng nhấn mạnh Mỹ hoàn toàn minh bạch trong việc triển khai THAAD.
Trong buổi điều trần tại một tiểu bang của Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ, quyền Bộ trưởng Lục quân Mỹ Robert Speer đã thông báo việc triển khai thêm các bệ phóng trong hệ thống THAAD tạm ngừng để chờ đánh giá tác động đối với môi trường, đồng thời nhấn mạnh sẽ giải quyết được những đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu của Hàn Quốc.
Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mark Milley cũng khẳng định Mỹ sẽ vượt qua việc này và khẳng định THAAD là cần thiết đối việc việc bảo vệ các lực lượng của Mỹ ở Hàn Quốc cũng như bảo vệ chính quốc gia này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ hy vọng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính quyền mới tại Hàn Quốc trong các vấn đề liên minh giữa hai nước.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 7/6 cho biết Tổng thống Moon Jae-in đã yêu cầu Bộ Quốc phòng nước này tiến hành đánh giá một cách nghiêm ngặt và theo đúng luật định về tác động của việc triển khai (THAAD) đối với môi trường.
Theo đó, việc triển khai thêm 4 bệ phóng trong hệ thống này sẽ phải chờ đến khi hoàn tất đánh giá, nhưng 2 bệ phóng đã được triển khai trước đó sẽ không bị rút.
Kế hoạch triển khai THAAD đã được thông qua trong thời chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống Park Geun-hye.
Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống này gây tranh cãi ở Hàn Quốc đồng thời vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.
Trong thời gian tranh cử tổng thống, ông Moon Jae-in từng kêu gọi hoãn kế hoạch triển khai THAAD vì cho rằng chính quyền của Tổng thống Park chưa tham vấn người dân về vấn đề này./.