"Chúng tôi đang có những cuộc đối thoại rất cởi mở với Trung Quốc. Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận”, ông Mnuchin nói và cho biết rằng, hai nước đã nhất trí cắt giảm thâm hụt thương mại ở một mức độ nào đó và đang cố gắng để đạt được thỏa thuận thương mại công bằng.
Cả ông Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã liệt kê một danh sách các yêu cầu cụ thể cho Trung Quốc trong một bức thư gửi tới Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He vào cuối tuần trước. Danh sách yêu cầu này bao gồm cắt giảm thuế quan của Trung Quốc đối với ô tô Mỹ, Trung Quốc mua nhiều hơn các sản phẩm bán dẫn của Mỹ và các công ty Mỹ được tiếp cận nhiều hơn với khu vực tài chính của Trung Quốc. Theo thông tin từ tờ Wall Street Journal (WSJ), rất có thể ông Mnuchin đang cân nhắc một chuyến thăm tới Bắc Kinh để đàm phán về những vấn đề nói trên.
"Mỹ sẽ tiến hành áp dụng thuế quan nhập khẩu đối với Trung Quốc trừ khi hai quốc gia đạt được một thỏa thuận thương mại nào đó", ông Mnuchin cho biết và nhấn mạnh, Mỹ không sợ chiến tranh thương mại, nhưng đó không phải là mục tiêu của Mỹ.
Vừa qua, Tổng thống Trump cũng chỉ đạo ông Mnuchin đề xuất các quy định hạn chế đầu tư mới đối với các công ty Trung Quốc trong vòng 60 ngày để bảo vệ những công nghệ mà Mỹ coi là chiến lược. Ngoài ra, ông Trump cũng cho biết ông muốn cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc thêm 100 tỷ USD. Theo Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã tăng 8,1% trong năm 2017 lên 375 tỷ USD.
Một ngày sau thông báo của ông Trump, Trung Quốc đã công bố kế hoạch đánh thuế trị giá 3 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu của Mỹ vào Trung Quốc để đáp trả mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào Mỹ.
Mặc dù các hành động trên của Bắc Kinh cho đến nay vẫn được các nhà phân tích đánh giá là thận trọng, tuy nhiên trong tương lai có thể sẽ có thêm nhiều hành động khác. Tờ China Daily đưa tin, Trung Quốc đang tiến hành nghiên cứu về danh sách các hàng hoá nhập khẩu khác của Mỹ bị áp thuế, bao gồm máy bay, chíp máy tính và ngành du lịch.
Giữa những hành động căng thẳng của hai bên, các chuyên gia đánh giá, biện pháp trừng phạt thương mại có thể có tác động tâm lý "khá nghiêm trọng" lên thị trường. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television tại Bắc Kinh rằng: "Tôi hy vọng hai bên sẽ xoa dịu căng thẳng”.
Một tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã liệt kê các công ty của Mỹ sẽ “chịu thiệt hại nặng nề nhất” nếu cuộc chiến tranh thương mại xảy ra - bao gồm Apple, Intel và Boeing. CEO Tim Cook của Apple đã phát biểu trong một Diễn đàn ở Bắc Kinh rằng ông sẽ khuyến khích "những cái đầu lạnh" trong cuộc chiến thương mại tiềm ẩn. Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của Apple bên ngoài nước Mỹ.
"Các quốc gia ủng hộ thương mại toàn cầu và có thái độ cởi mở sẽ làm tốt hơn những quốc gia đang tự cô lập mình”, ông Tim Cook nói.