Sputnik dẫn một báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết, chi phí hàng năm để Lầu Năm Góc thay mới hoặc nâng cấp các phi đội máy bay có trong biên chế các đơn vị không quân thuộc lực lượng Hải, Lục, Không quân nước này sẽ tăng lên gấp đôi, ước tính vào khoảng 44 tỷ USD vào năm 2038. CBO còn nhận định, đây chưa phải là con số cuối cùng.
Cũng theo báo cáo này, trong giai đoạn 2000 đến 2018, ngân sách mua sắm máy bay của Không quân Mỹ trung bình vào khoảng 10 tỷ USD, trong khi đó Hải quân Mỹ lên đến 11 tỷ USD, còn Lục quân Mỹ chỉ khoảng 5 tỷ USD.
Kế hoạch đưa vào trang bị tiêm kích tàng hình F-35 sẽ chiếm hơn một nửa ngân sách giành cho mua sắm máy bay chiến đấu mới của Lầu Năm Góc trong 30 năm tới. Ảnh: Aviation Today.
Nhìn chung, các dự báo của CBO đều chỉ ra rằng, với kế hoạch mua sắm hàng loạt máy bay quân sự mới của Lầu Năm Góc từ nay đến năm 2030, ngân sách dành cho các hoạt động này sẽ sớm vượt mức dự báo 44 tỷ USD trước năm 2038.
CBO cũng chỉ ra rằng, chương trình đưa vào trang bị tiêm kích tàng hình F-35A và chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Không quân Mỹ từ nay đến năm 2050 sẽ tiêu tốn khoảng 280 tỷ USD, chiếm một phần tư ngân sách dự trù của Lầu Năm Góc cho không quân trong 30 năm tới.
Cũng với mốc thời gian trên, Hải quân Mỹ sẽ dần loại biên hoàn toàn các phi đội tiêm kích trên hạm F/A-18E/F bằng các phi đội tiêm kích F-35B (biến thể Thủy quân Lục chiến) và F-35C (biến thể Hải quân). Ngoài ra, Hải quân Mỹ cũng đang tìm kiếm ứng viên mới để thay thế cho máy bay vận tải đa nhiệm V-22 Osprey.
Ngân sách cho kế hoạch trên của Hải quân Mỹ chắc chắn sẽ không nhỏ và lớn hơn rất nhiều lần nếu so với Không quân.
Nếu như Không quân và Hải quân Mỹ theo đuổi các chương trình mua sắm hàng trăm tỷ USD, thì Lục quân Mỹ lại chỉ dám đầu tư vào Chương trình phát triển máy bay tấn công tầm xa tương lai (FARA) với con số khá khiêm tốn, dự kiến FARA sẽ thay thế cho các trực thăng vận tải quân sự đa năng UH-60 Black Hawk của Quân đội Mỹ hiện tại.
Bên cạnh, chương trình FARA, Lục quân Mỹ cũng lên kế hoạch phát triển một dòng trực thăng tấn công thế hệ mới thay thế cho "lão tướng" AH-64 Apache.
Theo Lầu Năm Góc, với việc tăng ngân sách cho các chương trình mua sắm, thay mới hoặc nâng cấp các phi đội không quân, sẽ giúp nước Mỹ duy trì vị thế số 1 về không quân trong vòng 30 năm tới.
Đối với Mỹ mà nói, chiếm ưu thế trên không là cách duy nhất giúp họ đánh bại kẻ thù trong mọi cuộc chiến trong tương lai.
Cận cảnh "pháo đài bay" B-52H Stratofortress của Không quân Mỹ chuyển trạng thái sẵn sàng xuất kích.