Ngày 9/9, Washington Post đã xuất bản các đoạn trích trong cuốn sách sắp ra mắt của nhà báo Woodward về nhiệm kỳ tổng thống Trump.
Một phần tuyên bố về một hệ thống vũ khí hạt nhân bí mật được Tổng thống Trump tiết lộ ở thời điểm năm 2017, khi Mỹ và Triều Tiên dường như trên bờ vực chiến tranh.
“Chúng tôi đã chế tạo hạt nhân - một hệ thống vũ khí chưa từng có ở đất nước này trước đây. Chúng tôi có những thứ mà bạn thậm chí chưa từng thấy hoặc chưa nghe về ", Tổng thống Trump nói với Woodward, đồng thời nói thêm rằng, “Mỹ có những thứ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa từng nghe trước đây".
“Không ai có cả - những gì chúng tôi có thật đáng kinh ngạc”, Tổng thống nói.
Đoạn trích này đã thu hút sự chú ý của độc giả, những người đang suy ngẫm về những gì Tổng thống Trump có thể đang đề cập đến, liệu thực sự những tuyên bố của ông ấy là chính xác.
Tổng thống Trump đã được biết đến là hay nói quá hoặc nói sai sự thật về công nghệ quân sự, từ tên lửa siêu thanh "khổng lồ" mà ông tuyên bố là nhanh hơn 17 lần so với vũ khí hiện tại, cho đến niềm tin bền bỉ của ông rằng, máy bay chiến đấu tấn công F-35 thực sự vô hình đối với mắt người mà không chỉ với các hệ thống radar của đối phương.
Cùng ngày, ông James Acton, đồng Giám đốc Chương trình Chính sách Hạt nhân của Carnegie Endowment for International Peace, viết trên Twitter rằng, Tổng thống Trump có thể đang đề cập đến W76-2, một đầu đạn hạt nhân công suất nhỏ mà Nhà Trắng đã đặt hàng sản xuất Đánh giá Tư thế Hạt nhân năm 2018.
Quả bom W76-2 có đương lượng được báo cáo chỉ 5 kiloton - một phần ba sức công phá của quả bom đã phá hủy thành phố Hiroshima, Nhật Bản, vào tháng 8/1945.
Khi bản Đánh giá tư thế Hạt nhân được xuất bản vào tháng 2/2018, đề xuất này đã bị lên án mạnh mẽ bởi dường như việc lựa chọn một thiết bị hạt nhân công suất thấp khiến cho việc sử dụng loại vũ khí này có vẻ dễ chịu hơn đối với Nhà Trắng.
Khi Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân vô tình công bố một tài liệu có tên "Vũ khí hạt nhân: Lập kế hoạch và nhắm mục tiêu" vào tháng 6/2019, nỗi sợ hãi đó trở nên rõ ràng hơn nhiều.
Tài liệu nhanh chóng bị gỡ xuống nhưng vẫn được Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ lưu giữ, nó mô tả cách các chỉ huy quân đội có thể đưa vũ khí hạt nhân vào hệ thống hoạt động nếu chúng "có thể tạo điều kiện quyết định kết quả và khôi phục sự ổn định chiến lược.”
Sau đó, chỉ tháng trước, Trung tâm Vũ khí Hạt nhân của Không quân Mỹ đã đăng yêu cầu cung cấp thông tin cho các nhà thầu có ý tưởng về việc nâng cấp hệ thống siêu thanh cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Mỹ sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân.
Khi được hỏi về điều này, Không quân Mỹ đã nhanh chóng gỡ thông báo xuống và kiên quyết phủ nhận việc theo đuổi vũ khí hạt nhân siêu thanh, không quên nhắc đến những cam kết hiện có không cho phép làm như vậy.
Vũ khí hạt nhân là loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mà năng lượng của nó do các phản ứng phân hạch hạt nhân hoặc phản ứng hợp hạch gây ra.
Một vũ khí hạt nhân nhỏ nhất có sức công phá lớn hơn bất kỳ vũ khí quy ước nào. Vũ khí có sức công phá tương đương với 10 triệu tấn thuốc nổ có thể phá hủy hoàn toàn một thành phố. Nếu sức công phá là 100 triệu tấn thì có thể phá hủy 1 vùng với bán kính 100 - 160 km.
Vũ khí hạt nhân lần đầu tiên được sử dụng vào giai đoạn cuối Thế chiến II khi Không quân Mỹ thả một quả bom phân hạch có biệt danh là "Little Boy" xuống thành phố Hiroshima.
Ba ngày sau, Không quân Mỹ tiếp tục thả một quả bom phân hạch có biệt danh là "Fat Man" xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản. Những vụ ném bom này đã khiến khoảng 200.000 người thiệt mạng.
Kể từ vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, vũ khí hạt nhân liên tục được kích nổ hơn hai nghìn lần để thử nghiệm và phô trương sức mạnh quân sự.
Các nước hiện nay công bố đang sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên. Thêm vào đó, Israel luôn được cộng đồng quốc tế cho là sở hữu bom hạt nhân mặc dù nước này chưa bao giờ chính thức khẳng định hay phủ định. Iran và Syria luôn bị Mỹ cáo buộc là có sở hữu vũ khí hạt nhân.
Hiện có 1 hiệp ước quốc tế để chống việc phổ biến vũ khí hạt nhân là Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), nhưng hiệu quả của hiệp ước này bị nghi ngờ và căng thẳng chính trị vẫn diễn ra.