Tuy vậy, thực tế chỉ ra rằng cấm vận dường như không phải là chiến thuật phù hợp trong trường hợp này.
Tiến sĩ John Park, giảng viên tại Trường Harvard Kennedy, phân tích trên kênh CNBC (Mỹ) ngày 5/9, cho rằng cấm vận kinh tế có thể làm tăng khả năng cạnh tranh của Bình Nhưỡng khi doanh nghiệp nước này phải tìm mọi cách để "né" các hình thức cấm vận. Nhờ vậy, Triều Tiên vẫn tiếp tục có tài chính để theo đuổi các chương trình vũ khí đang bị cộng đồng quốc tế lên án.
"Một hệ quả tiêu cực không ai mong muốn là các hình thức cấm vận đang giúp cho Triều Tiên tìm ra các cách thức làm kinh tế sáng tạo và hiệu quả hơn nhiều so với trước đây," ông Park nói.
Trong phiên điều trần hồi tháng 7 trước Hạ viện Mỹ, ông Park tuyên bố các doanh nghiệp Triều Tiên, những đối tượng muốn sở hữu những công nghệ cả được phép và bị cấm, sẽ liên hệ trực tiếp với các đối tác trung gian Trung Quốc để mua hàng. Bên trung gian sẽ nhận được thù lao từ khách hàng sau khi kết nối thành công các giao dịch.
Theo ông Park, cùng với động thái siết chặt cấm vận Triều Tiên của LHQ, các trung gian Trung Quốc không những từ bỏ hình thức làm ăn này mà còn nhận thấy cơ hội hiếm có để... tăng tiền phí môi giới lên cao hơn.
Lệnh trừng phạt cuối cùng lại trở thành lý do thu hút nhiều thêm vào thị trường những đối tượng trung gian Trung Quốc với năng lực và mạng lưới tốt hơn.
Ông Park chỉ ra, "chúng ta đang tạo những thị trường vận hành tốt hơn cho chính quyền Bình Nhưỡng khi muốn tiến hành kinh doanh tại Trung Quốc. Và chúng ta sẽ còn chứng kiến một số biến thể của hiện tượng này khi tăng cường cấm vận".
Theo Reuters, mặc dù đã sống dưới "ách" cấm vận của LHQ trong suốt hơn 1 thập kỉ vừa qua, nền kinh tế Triều Tiên đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong năm ngoái.
Đầu tháng 2/2017, LHQ công bố báo cáo chỉ ra rằng các lệnh cấm vận về kinh tế với Triều Tiên là không hiệu quả, vì nước này có khả năng né tránh tài tình các biện pháp này.
"Các ngân hàng và thực thể thuộc danh sách cấm vận tiếp tục hoạt động bằng cách sử dụng các trung gian dày dạn kinh nghiệm và được đào tạo bài bản trong hoạt động lưu chuyển qua biên giới về tài chính, con người và hàng hóa, bao gồm cả vũ khí hay các loại vật liệu có liên quan," báo cáo cho biết.
Tiến sĩ John Park điều trần trước Tiểu ban chính sách tiền tệ và thương mại, thuộc Ủy ban dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ, ngày 19/7/2017 (Ảnh: nbr.org)
Chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như đồng minh Anh và Australia, cho rằng sức ép cấm vận hiện tại là chưa đủ cứng rắn, và chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trong việc Triều Tiên đã "vô hiệu hóa" lệnh trừng phạt quốc tế.
Thực tế cho thấy mặc dù Bắc Kinh đã hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Triều Tiên, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang Triều Tiên lại tăng gần 30% trong nửa đầu năm nay. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước trong nửa đầu năm cũng tăng 10%, lên tới 2.65 tỷ USD.
Bất chấp nghị quyết trừng phạt được Hội đồng bảo an LHQ thông qua vào tháng 8, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân thứ 6 vào trưa Chủ nhật, 3/9 vừa qua. Các thành viên Hội đồng đang thảo luận việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nữa nhằm vào Triều Tiên.