Phần nổi của tảng băng trôi
Thông tin trên được giới chức Mỹ đưa ra vào ngày 22/4. Cụ thể, 2 người này gồm một phụ nữ 75 tuổi thiệt mạng vào ngày 6/2 và một người đàn ông 69 tuổi thiệt mạng vào ngày 9/2. Cả hai đều tử vong vì Covid-19 tại nhà riêng. Trong khi đó, thông tin chính thức về ca tử vong đầu tiên do Covid-19 tại Mỹ được ghi nhận vào ngày 29/2 tại Kirkland, bang Washington.
Các nhân viên pháp y tại hạt Santa Clara nơi 2 người thiệt mạng trước khi có thông tin chính thức về cả tử vong đầu tiên tại Mỹ cho biết, họ mới chỉ nhận được thông tin này vào ngày 21/4, sau khi kết quả lấy mẫu xét nghiệm của 2 người này được gửi đến Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ và được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2.
Bác sỹ Sara Cody, Giám đốc phụ trách y tế hạt Santa Clara, cho biết: “Hai trường hợp tử vong này cho thấy, có sự lây nhiễm bệnh trong cộng đồng ở mức độ nghiêm trọng và nhiều khả năng, loại virus này xuất hiện trong cộng đồng sớm hơn rất nhiều so với những gì chúng ta biết về chúng”.
Không chỉ gây tử vong sớm hơn thông tin chính thức, theo các chuyên gia, nhiều khả năng Covid-19 cũng đã lây lan trên khắp nước Mỹ trước ngày 21/1, thời điểm nước này xác nhận bệnh nhân đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2 cũng tại bang Washington.
Bác sỹ Sara Cody, cho rằng, những thông tin trên đây dù đáng lo ngại nhưng vẫn mới chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi” – hàm ý rằng, sự lây lan của Covid-19 đáng sợ hơn rất nhiều lần những gì các chuyên gia từng cảnh báo trước đó.
Cũng theo bác sỹ Sara Cody, việc chính quyền liên bang đưa ra chỉ dẫn trong đó chỉ yêu cầu xét nghiệm có tính chọn lọc các đối tượng nghi mắc Covid-19 đã khiến giới chức y tế nước này không bắt tay vào hành động sớm hơn.
“Vào thời điểm chúng tôi xác định được những ca mắc Covid-19 đầu tiên liên quan đến khách du lịch hồi cuối tháng 1. Những chỉ dẫn mà chúng tôi nhận được là hết sức hạn chế. Chúng tôi chỉ tập trung vào nhóm đối tượng hay đi du lịch.
Khi đó, chúng tôi cũng đã tự hỏi, làm thế nào chúng tôi có thể phát hiện ra sự lây lan trong cộng đồng nếu chúng tôi không tiến hành xét nghiệm cả những người không đi du lịch? Tôi nghĩ, điều này lý giải cho câu hỏi tại tao chúng tôi không phát hiện sự lây lan trong cộng đồng sớm hơn”.
Thậm chí, theo bác sỹ Sara Cody, 2 trường hợp tử vong vì Covid-19 nêu trên bị bỏ qua vì họ gần như không đi lại gì. Hơn thế nữa, vào thời điểm đó, tại bang California dịch cúm mùa đang bùng phát mạnh khiến giới chức y tế bang và Chính phủ liên bang không nghĩ rằng, Covid-19 đã bắt đầu càn quét bang miền Nam nước Mỹ này.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến nghiêm trọng ở Mỹ. (Nguồn: ABC News)
Khó nới lỏng lệnh phong tỏa
Những thông tin trên được công bố không lâu sau khi Thống đốc bang California Gavin Newsom cam kết sẽ “cập nhật chi tiết” về năng lực xét nghiệm Covid-19 của bang cũng như khả năng theo dõi và cách ly những người mắc và có tiếp xúc với người mắc Covid-19.
Theo ông Newsom, đây là một trong 6 chỉ số chính được coi là có tính quyết định đến việc California có nới lỏng lệnh phong tỏa sau khi nhận thấy dịch bệnh có dấu hiệu suy giảm trong thời gian gầy đây nhằm tạo điều kiện cho hàng triệu người dân tại bang có thể đi làm trở lại.
“Đây là những thông tin giúp trả lời những câu hỏi mà tất cả chúng ta đều đang quan tâm: Khi nào?... Khi nào chúng ta có thể từ từ “mở nắp van” để giảm bớt áp lực trong đó”, ông Newsom nhấn mạnh.
Thống đốc bang California cho biết, đến thời điểm này, bang mới chỉ thực hiện được 14.500 xét nghiệm virus SARS-CoV-2/ngày, hơn khoảng 2.000 xét nghiệm/ngày so với thời điểm đầu tháng 4.
Các chuyên gia cho rằng, với một bang có dân số 40 triệu người, con số xét nghiệm này là chưa đủ để có thể giúp hiểu rõ cơ chế lây lan của Covid-19 tại bang nhất là tại các trại dưỡng lão và trung tâm dành cho người vô gia cư – những nơi ít nhận được sự quan tâm đầy đủ.
Chính vì thế, ông Newsom tuyên bố, ông muốn tăng khả năng xét nghiệm của California lên ít nhất 25.000 trường hợp/ngày. Người đứng đầu bang California khẳng định, ông sẽ không nới lỏng lệnh phong tỏa cho đến khi số ca nhập viện vì Covid-19, đặc biệt là những người phải điều trị tích cực, giảm mạnh trong ít nhất 2 tuần. Trong khi đó, con số này vừa tăng thêm tới 8,3% trong ngày 21/4.
Cũng liên quan đến việc nới lỏng và tiến tới dỡ bỏ lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 tại các tiểu bang, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố, thống đốc các bang có toàn quyền quyết định điều này căn cứ trên tình hình dịch bệnh tại các bang.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình tại các “ổ dịch lớn” tại Mỹ như New York, New Jersey, California, Florida vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua, có thể khẳng định, việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa sẽ khó được thực hiện trong ít nhất 2 tuần tới./.